Phát biểu trước báo giới, ông Borrel - người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng tới - nhấn mạnh mục đích rõ ràng chuyến thăm của ông là bày tỏ sự ủng hộ "không lay chuyển" của EU đối với Ukraine. Ông Borrel kêu gọi các nước trong EU đẩy nhanh và mạnh hơn các hỗ trợ tài chính, viện trợ quân sự và tăng cường huấn luyện cho lực lượng Ukraine. Ông cũng nói rõ chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden còn 2 tháng nữa để quyết định và hành động về Ukraine trước khi chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết Kiev đã thiết lập đối thoại giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng là minh chứng rõ nhất cho mối quan hệ đối thoại trực tiếp đang và sẽ tiếp tục phát triển. Cũng theo Ngoại trưởng Sybiha, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng tổ chức cuộc họp trong thời gian tới và nhất trí để các nhóm công tác bắt tay vào công tác chuẩn bị.
Đây là chuyến thăm Ukraine cuối cùng của ông Borrel trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao của EU. Trên mạng xã hội X, ông Borrell viết: "Đây là chuyến thăm Kiev lần thứ 5 của tôi. Hỗ trợ Ukraine luôn là ưu tiên cá nhân trong nhiệm kỳ của tôi và sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề nghị sự hàng đầu của EU".
Theo số liệu của Viện Kiel (Đức), châu Âu đã chi khoảng 125 tỷ USD hỗ trợ Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây. Trong khi đó, một mình Mỹ chi hơn 90 tỷ USD.
Tuy nhiên, vấn đề tiếp tục viện trợ cho Kiev đang có những dấu hỏi lớn sau chiến thắng vừa qua của ông Trump. Giới chức EU và Ukraine lo ngại chính quyền mới dưới thời ông Trump có thể sẽ ngưng viện trợ cho Kiev. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng từng đặt câu hỏi về việc có nên tiếp tục duy trì viện trợ quân sự và tài chính lớn cho Ukraine, đồng thời tuyên bố ông sẽ sớm đạt thỏa thuận để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Về phía Nga, các quan chức nước này nhiều lần cảnh báo việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang cản trở tiến trình giải quyết xung đột và trực tiếp lôi kéo các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc xung đột này.