Theo trang Defense Express, trong đoạn video đăng tải trên trang web chính thức của Cơ quan An ninh Ukraine, UAV bí ẩn đã phá hủy hệ thống tên lửa phòng không Tor M2 và S-300VM của Nga. Tuy nhiên, Ukraine không tiết lộ thời gian, địa điểm diễn ra vụ tấn công cũng như loại đạn, đặc điểm của UAV. Song video cho thấy UAV cảm tử bí ẩn này đã thể hiện uy lực mạnh mẽ.
S-300VM là phiên bản hiện đại hóa của S-300B, do Liên Xô phát triển vào đầu những năm 2000. Đặc biệt, hệ thống phòng không này không phải là loại vũ khí được triển khai gần mặt trận và rất hiếm ngay cả đối với Nga. Tổ hợp này có nhiệm vụ chính là tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo đang di chuyển ở tốc độ cao nhờ tính năng tác chiến vượt trội.
Trong khi đó, tổ hợp tên lửa Tor-M2 được mệnh danh là “quái thú Bắc Cực”, có thể chiến đấu trong điều kiện nhiệt độ xuống tới -50 độ C. Hệ thống này thường được đặt trên khung gầm của các xe quân sự bánh xích. Một tổ hợp Tor-M2 cơ bản bao gồm 2 module phóng với khả năng mang theo 4 tên lửa phòng không 9M331 hoặc 9M332.
Theo giới chuyên gia, trong vụ tập kích này, ngoài UAV đảm nhiệm nhiệm vụ tấn công, một UAV khác đã được sử dụng để truyền tín hiệu.
Hiện phía Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Video UAV cảm tử Ukraine tiêu diệt hệ thống phòng không Nga (Nguồn Cơ quan An ninh Ukraine):
Một khía cạnh nổi bật khiến UAV bí ẩn này vượt trội hơn so các máy bay không người lái khác là góc tấn công lớn. Đạn xuyên phá đã tấn công bệ phóng S-300BM theo hướng nghiêng ở góc khoảng 70-80 độ. Đây là một chỉ số cao, khi hầu hết các UAV cảm tử khác không thể đạt tới. Đồng thời, khả năng tấn công mục tiêu gần như theo phương thẳng đứng khiến lớp phòng thủ trở nên vô nghĩa.
Xét theo một số yếu tố - như mục tiêu, phạm vi tấn công, góc tấn công, cũng như quy mô của đơn vị chiến đấu, giới quan sát dự đoán đây là loại vũ khí bắn chặn mới. Năm 2022, có thông tin cho rằng Washington đã gửi UAV cảm tử Phoenix Ghost tới Kiev.
Defense Express đã so sánh Phoenix Ghost với những thông tin về UAV xuất hiện trong video do Cơ quan An ninh Ukraine cung cấp. UAV trong đợt tấn công mới nhất được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép hạng trung, giống với Switchblade, có thể cất cánh thẳng đứng, thời gian bay khoảng 6 tiếng, trang bị camera hồng ngoại.
Phoenix Ghost được phát triển theo đơn đặt hàng của Không quân Mỹ trước năm 2022. Theo Defense Express, một trong những nhiệm vụ chính của Phoenix Ghost là săn lùng các hệ thống tên lửa phòng không của đối phương. Mùa hè năm ngoái, Lầu Năm Góc tuyên bố các máy bay chiến đấu Ukraine sử dụng hoàn hảo Phoenix Ghost. Tuy nhiên, không có video nào là bằng chứng cho thấy Quân đội Ukraine đã sử dụng loại vũ khí này và không loại trừ khả năng UAV cảm tử trong đợt tập kích mới nhất là loại UAV hoàn toàn khác.