Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở một khu vực rộng hơn 2 triệu km2 trên Biển Đông đã bị nhiều quốc gia lên án như một hành động trắng trợn chưa từng có tiền lệ và vi phạm pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục có các động thái để chiếm giữ lấy vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này, đồng thời gia tăng các lời lẽ dọa nạt về mặt quân sự.
“Người dân Trung Quốc không mong muốn chiến tranh, vì vậy chúng tôi sẽ đối chọi với Mỹ nếu nước này gây ra bất cứ xung đột nào”, ông Lưu Chấn Dân – Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm 19/5, “Tất nhiên, chúng tôi sẽ phòng vệ”. Ông nói thêm: “Chính phủ Trung Quốc đang tích cực chống lại bất kỳ động thái nào gây nguy hiểm cho hòa bình ở Biển Đông”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân. |
Gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này bao gồm cả việc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và ngang nhiên xây dựng sân bay trên một số hòn đảo, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines. Sự có mặt của các chiến hạm và máy bay quân sự Mỹ làm sứ mệnh tuần tra vùng biển quốc tế trên Biển Đông đã khiến Trung Quốc tức giận. Hôm 17/5 vừa qua, hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã xuất kích chặn đầu một máy bay trinh sát quân sự Mỹ.
Trong lúc các tranh chấp về chủ quyền đang xảy ra âm ỉ thì giới chuyên gia đã nhận thấy một khả năng cao hơn về việc xảy một xung đột không mong muốn giữa các máy bay và tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc như đã từng xảy ra năm 2001, khi máy bay của Bắc Kinh và Washington đâm vào nhau. Các nhà quan sát Trung Quốc nhận định rằng nếu một vụ va chạm tương tự xảy ra trong năm nay, chắc hẳn sẽ kéo theo những phản ứng mạnh mẽ từ cả hai phía.
Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân cảnh báo xung đột giữa Washington và Bắc Kinh sẽ có tác động xấu tới nền kinh tế thế giới. Ông nói: “Không quốc gia nào muốn trông thấy sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc bởi vì nền kinh tế hai nước sẽ bị tổn thương và những tác động sẽ được cảm nhận từ khắp thế giới”.
Cái gọi là “đường chín đoạn” hết sức phi lý mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố trên Biển Đông đã ôm trọn gần hết vùng biển này – một yêu sách về lãnh hải không lồ trải dài hơn 1.900km từ bờ biển của nước này. “Đường chín đoạn” sẽ cho Bắc Kinh quyền kiểm soát một tuyến đường hàng hải nhộn nhịp có tới một nửa lượng tàu chở hàng trên thế giới đi ngang qua, nơi chứa 2/3 lượng khí đốt lỏng của toàn cầu cũng như là nơi chiếm 1/10 lượng đánh bắt hải sản trên trái đất. Chính quyền Tổng thống Barack Obama cùng với một số nước châu Á đã lên tiếng phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc là “trái với luật pháp quốc tế”, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.