Mỹ có thể không còn được hưởng lợi thế về số lượng so với Trung Quốc trong một số thành tố của chương trình Tên lửa Đạn đạo Xuyên lục địa (ICBM) - theo Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân của nước này.
STRATCOM gần đây đã gửi một báo cáo bảo mật tới Quốc hội theo một điều khoản trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm tài chính 2022 - yêu cầu thông báo cho Quốc hội Mỹ nếu Trung Quốc vượt Mỹ ở ít nhất một trong ba thành phần liên quan đến kho dự trữ ICBM của nước này.
Nghị sĩ James Inhofe, thành viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Quân lực Thượng viện, đã thúc giục Lầu Năm góc giải mật báo cáo theo yêu cầu của luật trong một bức thư gửi tới chỉ huy STRATCOM, Đô đốc Charles Richard, ngày 5/12.
“Chúng ta chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm khi nói đến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc”, nghị sĩ Inhofe viết trên Twitter, nơi ông công khai bức thư. “Chính quyền [Tổng thống Biden] phải cởi mở và trung thực với người dân Mỹ” về Bắc Kinh.
Theo luật, STRATCOM phải thông báo cho Quốc hội nếu Trung Quốc triển khai nhiều ICBM hoặc bệ phóng ICBM hơn dữ liệu do Lầu Năm góc tổng hợp trong báo cáo hàng năm về Trung Quốc và một tài liệu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội chỉ ra rằng Mỹ vẫn duy trì lợi thế so với Trung Quốc về số lượng ICBM đã triển khai và bệ phóng ICBM. Điều này cho thấy rằng hai điều kiện đó đã không kích hoạt báo cáo của STRATCOM.
Phần thứ ba của luật kích hoạt báo cáo mật quy định là nếu Trung Quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân được trang bị trên ICBM của họ hơn Mỹ.
Ông Jeffrey Lewis, giám đốc Dự án Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Đại học Middlebury (Mỹ), nói với Defense News trong một cuộc phỏng vấn rằng báo cáo mật có khả năng tiết lộ rằng Trung Quốc đã trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân trên ICBM hơn Mỹ. Ông Lewis là thành viên Ban Cố vấn An ninh Quốc tế của Bộ Ngoại giao nhưng không có quyền truy cập vào đánh giá mật của STRATCOM.
“Đó phải là đầu đạn”, chuyên gia Lewis nhận định, “Báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc ước tính rằng kho dự trữ hạt nhân [của Bắc Kinh] đã vượt qua con số 400”.
Báo cáo đó cho thấy rằng Trung Quốc “có khả năng sẽ khai thác một kho dự trữ khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân vào thời điểm năm 2035” nếu nước này tiếp tục với tốc độ mở rộng hạt nhân hiện tại. Báo cáo cũng cho thấy Trung Quốc đã tăng gấp đôi kho dự trữ ICBM chỉ từ năm 2020.
Trung Quốc hiện có 300 ICBM và bệ phóng. Nhưng con số đó vẫn ít hơn so với Mỹ, quốc gia sở hữu 400 ICBM và 450 bệ phóng ICBM.
Chuyên gia Lewis lưu ý rằng tên lửa Dongfeng-41 của Trung Quốc có thể “mang nhiều đầu đạn, vì vậy 300 tên lửa có thể mang hơn 400 đầu đạn một chút”. Trong khi đó, toàn bộ 400 tên lửa Minuteman III của Mỹ hiện chỉ mang một đầu đạn trên mỗi ICBM.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ đều không thể xác nhận với Defense News rằng số lượng đầu đạn vượt hơn của Trung Quốc đã kích hoạt báo cáo của STRATCOM, do tính chất mật của báo cáo này.
“Chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin rõ ràng do các vấn đề bảo mật”, một phụ tá tại Quốc hội Mỹ cho biết trong điều kiện giấu tên.
Vị phụ tá này nói thêm rằng các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã viết thư cho Đô đốc Richard của STRATCOM khuyến khích mạnh mẽ "chính quyền cung cấp báo cáo chưa bảo mật theo luật định và đảm bảo công chúng được thông báo càng nhiều càng tốt về mối đe dọa hạt nhân ngày càng mở rộng của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông Lewis đánh giá thấp thực tế rằng Bắc Kinh có thể có tỷ lệ đầu đạn trên mỗi ICBM cao hơn so với Washington. Ông nói: “Không thành vấn đề vì Mỹ có thể đặt nhiều đầu đạn vào các ICBM mặt đất của mình, chúng ta chỉ không lựa chọn làm điều đó”. Theo ông, “phải phải tính cả số ICBM và SLBM [tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm]. Và một khi bạn làm điều đó, số lượng của chúng ta cao hơn nhiều so với của họ”.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), tính đến tháng 9/2021, Mỹ có 1.389 đầu đạn hạt nhân có thể lắp trên tổng số 665 ICBM, SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) và máy bay ném bom hạng nặng.
Ông Henry Sokolski, giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến Vũ khí hạt nhân, đã đặt câu hỏi liệu nước Mỹ có thể duy trì lợi thế số lượng lớn trước kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hay không nếu Bắc Kinh tiếp tục tốc độ hiện đại hóa hạt nhân như hiện nay.
Ông Sokolski nói: “Tôi không biết phải mất bao lâu để hệ thống của chúng ta lắp thêm 1.500 đầu đạn vào tên lửa. Có thể mất một thời gian và tốn kém rất nhiều. Nếu bạn đang đi theo hướng đó, có lý do nào để tin rằng phía bên kia sẽ chỉ chờ đợi trong khi chúng ta đuổi kịp không? Tôi không nghĩ vậy.”