Trung Quốc nới lỏng phòng dịch, OPEC+ giữ nguyên sản lượng, tại sao giá dầu vẫn giảm?

Có một yếu tố khiến giá dầu thế giới vẫn giảm cho dù Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng COVID-19 và tổ chức OPEC+ giữ nguyên sản lượng dầu.

 

Chú thích ảnh
Một cơ sở dự trữ dầu thô tại Cushing, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang investing.com ngày 7/12, đó là dữ liệu tồn kho dầu của Mỹ. Dữ liệu cho thấy số lượng sản phẩm xăng tồn kho vượt xa dự báo. Điều đó đã khiến giá dầu lao dốc trong ngày thứ tư liên tiếp, kết thúc ở mức gần thấp nhất trong một năm.

Dầu thô West Texas Middle giao tháng 1/2023 giao dịch tại New York giảm 2,24 USD, tương đương 3%, xuống 72,01 USD/thùng. Giá thấp nhất trong phiên của WTI là 71,75 USD, mức thấp chưa từng thấy kể từ ngày 22/12/2021 là 70,80 USD. Chuẩn dầu thô (crude benchmark) của Mỹ đã mất gần 12% kể từ mức đóng cửa dương cuối cùng là 81,33 USD vào ngày 1/12. Tính từ đầu tuần đến nay, dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 11%.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao dịch tại London giao tháng 2/2023 giảm 2,18 USD, tương đương 2,8%, xuống 77,11 USD. Trước đó, giá dầu Brent đã chạm mức thấp nhất trong phiên là 76,95 USD, mức chưa từng thấy kể từ mức đáy ngày 27/12/2021 là 75,75 USD. Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu Brent giảm khoảng 10%.

Đợt giảm mới nhất của giá dầu diễn ra sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước, dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất tăng mạnh, gây thêm lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu.

EIA cho biết trong báo cáo Tình trạng dầu mỏ hàng tuần cho giai đoạn từ ngày 25/11 đến ngày 2/12 rằng tồn kho dầu thô giảm 5,187 triệu thùng, so với dự báo giảm 3,305 triệu thùng.

Nhưng các kho dự trữ sản phẩm chưng cất đã tăng 6,159 triệu thùng trong cùng một tuần, so với dự báo tăng 2,208 triệu thùng.

Tồn kho xăng cũng tăng 5,320 triệu thùng, so với dự báo tăng 2,707 triệu thùng.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giá dầu đã giảm xuống mức thấp vào đầu ngày 7/12 sau khi Trung Quốc công bố những thay đổi đối với biện pháp phòng chống COVID-19, báo hiệu sự nới lỏng chính sách “không COVID” tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng Trung Quốc chưa chuẩn bị đầy đủ cho trường hợp gia tăng số ca nhiễm COVID-19 và vẫn chưa biết tình hình sẽ tiến triển như thế nào trong những tuần và tháng tới.

Do đó, thị trường dầu mỏ có thể chưa vội nghĩ rằng nhu cầu dầu ở Trung Quốc sẽ tăng ngay và có thể nước này sẽ lại siết chặt phòng dịch nếu số ca mắc tăng ngoài tầm kiểm soát.

Dữ liệu tồn kho xăng ở Mỹ cũng khiến giá dầu chưa thể tăng mặc dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) không tăng sản lượng trong cuộc họp ngày 4/12.

Trong khi đó, theo Bloomberg, tính đến 10 giờ 30 ngày 8/12 (giờ Mỹ), giá dầu WTI đã tăng 0,96 USD, lên 72,97 USD/thùng. Giá dầu Bretnt tăng 0,2 USD, lên 77,37 USD/thùng.

Trước đó, kết thúc phiên 8/12 tại châu Á, giá dầu phục hồi nhờ tâm lý lạc quan khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID-19. Giá dầu tại đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm trong phiên trước.

Giá dầu Brent tăng 1 USD, lên 78,17 USD/thùng vào lúc 14 giờ 50 phút (theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá dầu West Texas Middle tăng 1 USD, lên 73,01 USD/thùng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trung Quốc mở cửa trở lại - Động lực lớn đối với giá dầu
Trung Quốc mở cửa trở lại - Động lực lớn đối với giá dầu

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch được đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy giá dầu lớn hơn so với hành động áp giá trần của G7 và EU đối với dầu Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN