Các nhà phân tích cho rằng việc áp giá trần với dầu của Nga có thể đẩy nhanh các chuyến hàng dầu thô đến Trung Quốc và một số nước châu Á khác đồng thời gây ra bất ổn về sản lượng dầu toàn cầu và biến động giá cả.
Theo Hội đồng châu Âu, mức giá trần được áp dụng với dầu thô của Nga có mục đích hạn chế tăng giá và giảm đáng kể doanh thu mà Nga kiếm được từ dầu mỏ. Ông Kang Wu tại công ty S&P Global Commodity Insights (Anh) nhận định thị trường dầu mỏ toàn cầu đã chuẩn bị cho diễn biến này từ nhiều tháng trước. Ông nói: “Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác có thể duy trì nhập khẩu dầu thô Nga miễn là dịch vụ bảo hiệm vận chuyển không phải do một công ty có trụ sở ở các nước thuộc EU và G7 cung cấp”.
Hãng tin TASS (Nga) dẫn lời một người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga không chấp nhận mức giá trần áp lên dầu thô của nước này nhưng cũng đã chuẩn bị.
Nhà nghiên cứu Wang Yongzhong ước tính rằng ngay cả với mức giá trần 60 USD/thùng, Nga vẫn thu được lợi nhuận khoảng 20 USD/thùng và điều này vẫn khuyến khích Moskva tiếp tục cung cấp “vàng đen” cho thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn đánh giá của các chuyên gia cho rằng mức giá trần 60 USD/thùng dầu có hiệu lực từ ngày 5/12 nhiều khả năng góp phần khiến Trung Quốc mua thêm nhiên liệu rẻ từ láng giềng Nga.
Nhà phân tích Zhao Naidi tại công ty Everbright Securities (Trung Quốc) nhấn mạnh rằng áp trần giá dầu Nga có thể tạo thêm điều kiện “mặc cả” cho những nhà nhập khẩu dầu hiện tại của Moskva.
Nhà nghiên cứu Wang Yongzhong tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc lập luận: “Về lý thuyết, Trung Quốc có thể nhập khẩu dầu thô của Nga số lượng lớn sau khi cơ chế giá trần được áp dụng. Mức giá thấp hơn chắc chắn tốt cho các nhà nhập khẩu trong nước”.
Trung Quốc vốn là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với mức nhập khẩu hơn 70% nhu cầu dầu thô hàng năm. Do đó, an ninh năng lượng luôn được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh, đặc biệt là khi giá dầu thô quốc tế trở nên biến động bởi gián đoạn do COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine.
Dữ liệu hải quan cho thấy riêng năm 2021, Trung Quốc đã mua 513 triệu tấn dầu thô trong khi sản lượng trong nước là 199 triệu tấn. Nga là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc với 79,6 triệu tấn trong năm 2021. Saudi Arabia giữ vị trí đứng đầu với 87,6 triệu tấn dầu xuất khẩu đến Trung Quốc năm 2021.
Phó chủ tịch Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc Huang Yongzhang gần đây cho biết xuất khẩu dầu thô Nga đến Trung Quốc qua các đường ống là 33,3 triệu tấn trong 10 tháng năm 2022, tương đương một nửa tổng nguồn cung của Nga trong giai đoạn này.
Ngày 4/12, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định vẫn duy trì sản lượng nhưng sẵn sàng hỗ trợ cân bằng và ổn định của thị trường dầu mỏ nếu cần thiết.