Hai cách Nga có thể dùng để lách biện pháp áp trần giá dầu

Khi phương Tây tính toán thiệt hơn trong áp trần giá dầu Nga, chắc chắc rằng biện pháp này sẽ không được thực thi nghiêm ngặt. Nhờ đó, Nga có thể thực hiện nhiều cách để lách biện pháp trừng phạt này của phương Tây.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Gazprom, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Theo trang oilprice.com, thứ nhất, Nga có thể tự thu xếp được đủ tàu để vận chuyển dầu của mình.

Một số nguồn tin cấp cao trong ngành dầu mỏ ở Mỹ và Liên minh châu Âu cho rằng Nga có thể thu xếp trong thời gian rất nhanh 3/4 số tàu để có thể vận chuyển lượng dầu cần thiết bình thường cho những người mua lâu năm. Con số này sẽ lên đến 90% trong vòng vài tuần sau đó.

Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga xuất khẩu khoảng 2,7 triệu thùng dầu thô/ngày sang châu Âu và 1,5 triệu thùng sản phẩm khác/ngày, chủ yếu là dầu diesel.

Vào cuối tháng 1 năm nay, tổng xuất khẩu dầu toàn cầu của Nga là 7,8 triệu thùng/ngày, 2/3 trong số đó là dầu thô và dầu ngưng tụ.

Do đó, theo tính toán trên, các thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chỉ mất từ ​​0,78 triệu thùng/ngày đến 1,95 triệu thùng/ngày so với mức dầu Nga xuất khẩu trước xung đột ở Ukraine, ngay cả khi có biện pháp áp giá trần, cho dù tính tới tất cả các yếu tố khác.

Nhờ các đội tàu chở dầu khổng lồ do chính Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Iran điều hành, sẽ không thiếu tàu có sẵn và vấn đề liên quan vận chuyển, bảo vệ hàng hóa và bảo hiểm bồi thường sẽ dễ dàng được tất cả các quốc gia được đề cập nói trên đảm bảo. Điều này giống như khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến bảo hiểm vận chuyển đối với các đội tàu chở dầu Iran.

Thứ hai, hành lang Nga – Iran – Iraq - Trung Quốc cũng tạo ra một số cơ chế khác để Nga vận chuyển dầu tránh lệnh trừng phạt.

Iran không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự tìm ra các phương pháp lách lệnh trừng phạt kể từ năm 1979. Nước này đã trở nên thành thạo trong lách trừng phạt tới mức coi đây là một vấn đề tự hào dân tộc.

Vào tháng 12/2018 tại Diễn đàn Doha, Bộ trưởng Ngoại giao Iran lúc bấy giờ là Mohammad Zarif đã tuyên bố rằng: “Nếu có một nghệ thuật mà chúng tôi đã hoàn thiện ở Iran, mà chúng tôi có thể dạy cho người khác với một mức giá, thì đó là nghệ thuật tránh các biện pháp trừng phạt”.

Vào cuối năm 2020, chính Bộ trưởng Dầu mỏ của Iran lúc bấy giờ là Bijan Zangeneh đã đưa ra một số thông tin chi tiết về phương pháp đã được thử nghiệm và đáng tin cậy: “Những gì chúng tôi xuất khẩu không mang tên Iran. Giấy tờ được thay đổi nhiều lần, cũng như các thông số kỹ thuật”.

Các phương pháp vận chuyển dầu để tránh các lệnh trừng phạt khá đơn giản, liên quan đến việc vô hiệu hóa mà theo nghĩa đen chỉ cần tắt một công tắc hệ thống nhận dạng tự động trên các tàu chở dầu của Nga.

Ở châu Âu, Iran đã sử dụng phương pháp này để đưa dầu vào một số cảng được kiểm soát lỏng lẻo ở Nam Âu – khu vực vốn cần dầu và tiền hoa hồng giao dịch dầu, như các cảng của Albania, Montenegro, Bosnia và Herzegovina, Serbia, Macedonia và Croatia. Từ đó, dầu dễ dàng được chuyển đến những nước tiêu thụ dầu lớn hơn của châu Âu, gồm cả qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với các chuyến hàng đến châu Á, cũng có sẵn phương pháp đáng tin cậy để chuyển dầu Iran. Phương pháp này liên quan đến Malaysia và ở mức độ thấp hơn là Indonesia. Hai nước này chuyển tiếp dầu sang Trung Quốc. Các tàu chở dầu đến Trung Quốc sẽ chuyển dầu Iran lên các tàu chở dầu treo cờ nước khác trên biển hoặc ngay bên ngoài cảng.

Điều đáng chú ý là tại thời điểm này, có một số dầu thô của Nga cũng có thông số kỹ thuật cực kỳ giống với các loại dầu tương đương ở Iran và Iraq. Nếu G7 quyết định tăng cường các biện pháp trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, thì Nga và Iran có thể nhất trí một thỏa thuận hoán đổi theo kiểu này hay cách khác, trong đó dầu Nga sẽ đến bất cứ nơi nào Nga muốn, vì dầu của Iraq (thực chất là dầu Iran) không bị trừng phạt.

Chiến lược cốt lõi này nhằm đổi thương hiệu dầu Iran thành dầu của Iraq và nhờ đó, một ​khối lượng dầu khổng lồ của Iran được chuyển qua cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu thô hiện có của Iraq.

Dầu này cũng đã được đưa trực tiếp vào Nam Âu thông qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các đường ống dẫn dầu thô chạy qua khu vực bán tự trị Kurdistan của Iraq.

Thùy Dương/Báo Tin tức
EU lo ngại tác dụng phụ từ việc áp giá trần khí đốt Nga
EU lo ngại tác dụng phụ từ việc áp giá trần khí đốt Nga

Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại việc Liên minh châu Âu (EU) giới hạn giá khí đốt tự nhiên có thể làm tăng dòng điện giá rẻ hơn đến các quốc gia không nằm trong cơ chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN