Triều Tiên nỗ lực phát triển tên lửa nạp sẵn nhiên liệu để rút ngắn thời gian phóng

Các tuyên bố gần đây về thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm đã làm lu mờ mục tiêu phát triển hệ thống nhiên liệu tên lửa mới của Triều Tiên, cho phép quốc gia này rút ngắn thời gian phóng. 

Phần lớn tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên sử dụng nhiên liệu lỏng, đòi hỏi phải được nạp đầy nhiên liệu tại địa điểm phóng trước khi có thể khai hỏa. Đây là một công đoạn tốn nhiều thời gian và khiến chúng trở nên dễ bị phát hiện hơn. 

Bình Nhưỡng cũng theo đuổi công nghệ nhiên liệu rắn, nhưng cho đến nay, những động cơ này mới chỉ được sử dụng trên các tên lửa nhỏ, tầm ngắn. 

Chú thích ảnh
Trong ảnh (do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng phát ngày 6/1/2022): Tên lửa siêu thanh kiểu mới (trái) được phóng từ tỉnh Jagang, miền Bắc Triều Tiên và tên lửa siêu thanh Hwasong-8 (phải) được phóng thử hồi tháng 9/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Theo hãng Reuters, những vụ thử vũ khí gần đây cho thấy khả năng các nhà khoa học quân sự Triều Tiên đang theo đuổi một lựa chọn thứ ba: hệ thống “ống nhiên liệu tên lửa” để gắn thùng chứa nhiên liệu hóa lỏng và chất oxy hóa bên trong khung tên lửa, cho phép chúng được tiếp nhiên liệu trước từ nhà máy, đồng thời luôn sẵn sàng để phóng. 

Ông Ankit Panda, nhà nghiên cứu cấp cạo tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Điều này sẽ giảm bớt công đoạn tiếp nhiên liệu tại hiện trường, cũng như làm tăng khả năng phản ứng của tên lửa đẩy nhiên liệu lỏng của Triều Tiên. Họ vẫn còn cách xa mục tiêu chuyển sang nhiên liệu rắn hoàn toàn nên phương án mới sẽ rất hữu ích”. 

Triều Tiên tuyên bố sử dụng ống nhiên liệu tên lửa lần đầu vào tháng 9/2021, trùng thời điểm quốc gia này thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm đầu tiên, có khả năng mang theo đầu đạn bay nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh. 

Tại thời điểm đó, truyền thông quốc gia của Triều Tiên đã dẫn lời một quan chức hàng đầu thảo luận về tầm quan trọng của việc chuyển đổi các hệ thống nhiên liệu tên lửa thành dạng ống. 

Theo tổ chức 38North chuyên theo dõi tình hình của Triều Tiên, động thái trên cho thấy quốc gia này có ý định tiếp tục duy trì và cải thiện lực lượng tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng trong dài hạn thay vì chuyển sang hoàn toàn nhiên liệu rắn. 

Loại tên lửa đẩy tương tự được trang bị hệ thống ống nhiên liệu có thể đã được sử dụng trong vụ thử vũ khí siêu vượt âm tuần trước. Triều Tiên cũng phóng một tên lửa khác vào ngày 4/1 song chi tiết kỹ thuật về vũ khí này vẫn chưa được công bố. 

Ông Markus Schiller, chuyên gia tên lửa tại châu Âu, cho biết bản chất của hệ thống dự trữ nhiên liệu mà Triều Tiên đang theo đuổi gây nghi ngờ về tính hữu dụng trong quân sự của nó. Những động cơ tên lửa đó sử dụng nitơ tetroxide (NTO) làm chất oxy hóa và dimethylhydrazine không đối xứng (UDMH) làm nhiên liệu. 

Cả hai chất trên đều có độc tính cao cũng như tạo phản ứng dữ dội khi tiếp xúc với nhau. Vụ nổ sẽ được truyền qua vòi phun để cung cấp năng lượng cho tên lửa. Nhưng các hóa chất này rất dễ bị tác động bởi va đập hoặc nhiệt độ. Ông Schiller cảnh báo rằng: “Việc này như thể lái xe chở một quả bom đi khắp nơi. Khoảnh khắc ống nhiên liệu phát nổ vì bạn sa vào ổ gà, hoặc ai đó bắn trúng nó, mọi thứ sẽ biến mất trong đám mây đỏ”. 

Ngoài ra, NTO đông cứng ở -11 độ C và bắt đầu sôi lên ở 21 độ C. Do vậy, thời tiết nóng hay lạnh đều có thể gây nguy hiểm đến ống nhiên liệu này. 

Bình Nhưỡng cho biết vụ thử hôm 5/1 đã xác nhận được độ tin cậy của hệ thống ống dẫn nhiên liệu trong điều kiện thời tiết mùa đông. Điều này cho thấy họ đang tìm cách đảm bảo sự ổn định của các hệ thống như vậy.

Khác với phần lớn quốc gia khác, Triều Tiên dường như không sử dụng thùng chứa để bảo vệ và cách nhiệt tên lửa.

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Trung Quốc tiếp tục phong toả thành phố 5,5 triệu dân vì 2 ca nhiễm Omicron
Trung Quốc tiếp tục phong toả thành phố 5,5 triệu dân vì 2 ca nhiễm Omicron

Trung Quốc đã phong toả thành phố An Dương, nơi sinh sống của 5,5 triệu dân, để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN