Hé lộ về năng lực và tham vọng mới trong chương trình tên lửa của Triều Tiên

Khi Triều Tiên tiếp tục phát triển các hệ thống vũ khí công nghệ cao, một số cuộc thử nghiệm trong những tháng qua đã cho thấy có bước tiến lớn.

Triều Tiên bắt đầu năm 2022 bằng việc thử tên lửa công nghệ cao mới nhất của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ có bước đi thận trọng với việc thử nghiệm vũ khí để không làm gia tăng áp lực quốc tế.

Chú thích ảnh
Triều Tiên đã bắt đầu năm 2021 bằng việc thử nghiệm loại vũ khí mà Bình Nhưỡng tuyên bố là một "tên lửa siêu vượt âm" mới, vụ thử vũ khí mới nhất của nước này kể từ mùa Thu năm 2021. Ảnh: Yonhap

Tham vọng siêu vượt âm

Theo báo Deutsche Welle (DW - Đức) ngày 9/1, một nguyên nhân gây lo ngại là việc Triều Tiên phát triển các phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV), một hệ thống vũ khí tiên tiến đang được các quân đội lớn trên thế giới phát triển.

HGV có một đầu đạn được phóng trên tên lửa đẩy với vận tốc ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh, có tính năng tăng khả năng cơ động và có thể tránh bị phát hiện cũng như đánh chặn.

Mặc dù hầu hết các tên lửa đạn đạo có thể bay ở tốc độ siêu thanh, các nhà phân tích cho biết khả năng bay thấp và cơ động của HGV khiến chúng trở thành mối đe dọa lớn hơn. Theo Jeffrey Lewis, một chuyên gia vũ khí tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Mỹ, loại HGV mà Triều Tiên mới phóng tuần trước có vẻ là một loại phương tiện lượn siêu âm hình nón, còn được gọi là "MaRV” (loại tên lửa đạn đạo có đầu đạn có khả năng theo dõi, thay đổi mục tiêu khi bay).

Hệ thống vũ khí được Triều Tiên mới thử nghiệm đã bay 700 km. Tuy nhiên, MaRV không phải là một loại vũ khí mới và Triều Tiên đã thử nghiệm các phương tiện tương tự trước đây trên các tên lửa đẩy kém uy lực hơn, chẳng hạn như vụ phóng MaRV năm 2017 trên tên lửa Scud tầm ngắn.

Ankit Panda, một thành viên cấp cao về chương trình chính sách hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace, cho rằng tên lửa mới được phóng của Triều Tiên dường như đã xuất hiện lần đầu tiên tại triển lãm "Tự vệ-2021" ở Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2021.

Vào cuối tháng 9/2021, Triều Tiên đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi lần đầu tiên thông báo rằng họ đã thử nghiệm một HGV. Truyền thông nhà nước cho biết hệ thống tên lửa này được gọi là Hwasong-8 (Hwasong là tên mà Triều Tiên đặt cho một loạt tên lửa có tên tiếng Anh là Mars).

Ian Williams, Phó giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế cho rằng: “Công nghệ phương tiện lướt siêu vượt âm đòi hỏi khoa học vật liệu và kỹ thuật công nghiệp rất tiên tiến, đến mức mà Triều Tiên có thể đã nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài trong nỗ lực này”.

Theo 38 North (tổ chức tư vấn, phân tích và chuyên giám sát Triều Tiên, có trụ sở tại Washington, Mỹ), HGV sẽ chỉ đóng góp một phần nhỏ vào lực lượng tên lửa đạn đạo lớn hiện có của Triều Tiên, chủ yếu là cung cấp một lựa chọn khác để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa. Cũng rất khó để xác minh tuyên bố của Triều Tiên về các vụ phóng thành công, nếu không có dữ liệu trực tiếp về tầm bay hoặc liệu chúng có tiêu diệt được mục tiêu dự kiến hay không. 

Tên lửa phóng từ tàu ngầm, toa tàu

Ngoài ra, báo Deutsche Welle cho biết Triều Tiên cũng đang theo đuổi một hệ thống vũ khí tiên tiến khác: tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). 

Sau vụ thử siêu vượt âm đầu tiên của Triều Tiên, nước này tuyên bố đã bắn thử một SLBM vào tháng 10 năm ngoái. Ông Williams nói: "Tên lửa này là thứ mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây. Nó nhỏ hơn tên lửa phóng từ tàu ngầm mà Bình Nhưỡng trưng bày trong các cuộc duyệt binh gần đây và có vẻ gần giống với tên lửa KN-23 trên đất liền".

Được biết đến là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM), KN-23 có tầm bắn 450 km, có nghĩa là về mặt lý thuyết, tàu ngầm cần phải di chuyển tương đối gần mục tiêu để đạt hiệu quả. Điều này sẽ làm cho tàu ngầm tiếp cận dễ bị tổn thương hơn trước các hệ thống săn ngầm tiên tiến.

Lần gần đây nhất Triều Tiên tuyên bố đã phóng SLBM, đó là tên lửa Pukguksong (Polaris) lớn hơn với tầm bắn gần gấp 3 lần KN-23. Theo trang mạng 38North, "loại SLBM mới" được bắn vào tháng 10/2021 có liên quan nhiều đến thông điệp chính trị tới Hàn Quốc hơn là thể hiện khả năng chiến lược. Seoul đã công bố một SLBM tương tự vào tháng 9/2021. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng tính hiệu quả của SLBM còn phụ thuộc vào hiệu quả của các tàu ngầm cũ kỹ mà Triều Tiên đang sở hữu.

Triều Tiên hiện cũng đang sở hữu tên lửa Hwasong-14, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được thử nghiệm vào năm 2017. Nó có tầm bắn hơn 10.000 km - biến bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Mỹ cũng trở thành mục tiêu tiềm tàng.

Tuy nhiên, để tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, những nơi có lực lượng quân nhân Mỹ ở nước ngoài lớn nhất, các tên lửa nhỏ hơn với tầm bắn ngắn hơn cũng đủ để gây ra mối đe dọa lớn.

Ông Williams cho biết Triều Tiên đã phát triển các khả năng khác, trong đó có việc bắn tên lửa từ các bệ phóng mới. Đáng chú ý nhất là vụ phóng tên lửa đạn đạo KN-23 từ một toa tàu hỏa.

Hồi tháng 9/2021, Triều Tiên đã thử tên lửa phóng từ tàu hỏa, được cho là "vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng". Nước này cũng đã thử nghiệm phương tiện phóng vệ tinh mang tên Taepodong-2, có thể có tải trọng 1.000 kg và tầm bay lên tới 10.000 km.

Dự báo về chương trình thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên trong thời gian tới, Giám đốc 38 North, bà Jenny Town nhận định: “Với những khó khăn mà Bình Nhưỡng đang phải đối mặt vào lúc này, nhiều khả năng sẽ có những tính toán về những loại vũ khí nào được thử nghiệm mà không khiến cộng đồng quốc tế phản đối. Trước đây, Bình Nhưỡng dường như sẵn sàng hy sinh các mối quan hệ đối ngoại của mình để đạt được một mức độ thành công nhất định, nhưng hiện nay, việc tập trung thực sự vào phát triển kinh tế được coi là một phần của chiến lược quốc gia và nhu cầu cấp thiết là phải xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế. Trong tương lai gần, một số sự hỗ trợ từ bên ngoài và quan hệ đối ngoại là cần thiết".

Công Thuận/Báo Tin tức
Hàn Quốc và Nhật Bản thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên
Hàn Quốc và Nhật Bản thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 7/1 cho biết các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm trong ngày 7/1 để trao đổi đánh giá về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên và nhất trí tiếp tục nỗ lực nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN