Ngày 25/1, Mỹ tuyên bố trong vài tháng tới sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams - một trong những xe tăng chủ lực mạnh nhất của nước này - cho Ukraine. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine – ông Yuriy Sak cho biết: “Rào cản lớn tiếp theo bây giờ sẽ là máy bay chiến đấu. Nếu chúng ta có được chúng thì lợi thế trên chiến trường sẽ vô cùng lớn… Không chỉ có F-16, máy bay thế hệ thứ tư là thứ chúng ta muốn”.
Lực lượng không quân của Ukraine sở hữu phi đội máy bay chiến đấu mà từ thời Liên Xô đã ra khỏi dây chuyền lắp ráp trước cả khi Kiev tuyên bố độc lập hơn 31 năm trước. Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, ý tưởng cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine thường gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nguồn cung của phương Tây kể từ đó đến nay đã phá vỡ mọi điều cấm kỵ.
Ông Yuriy Sak nêu rõ: “Họ không muốn cung cấp cho chúng ta pháo hạng nặng, nhưng họ đã làm. Họ không muốn cung cấp cho chúng ta hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), nhưng họ đã làm. Họ không muốn cung cấp cho chúng ta xe tăng, bây giờ họ đang cung cấp cho chúng ta xe tăng. Ngoài vũ khí hạt nhân, chúng ta sẽ nhận được mọi thứ”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ không có khả năng máy bay chiến đấu được gửi đến Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh: “Tôi đã nói rõ từ rất sớm rằng chúng ta không nói về máy bay chiến đấu, và tôi đang làm điều tương tự ở đây”.
Ông Scholz bổ sung: “Chúng tôi sẽ không cử lính bộ binh trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi đã nói sẽ không có sự tham gia trực tiếp của binh lính NATO trong cuộc xung đột Ukraine. Đó không phải là trường hợp hiện nay và cả trong tương lai”.