Tiết lộ với trang USNI News, các nhân vật nắm được thông tin trong bản đánh giá thiệt hại ban đầu của Hải quân Mỹ cho biết tàu Connecticut đã bị hư hải phần thân trước cùng các két dằn sau sự cố trên.
Trong tàu ngầm, két dằn được sử dụng để kiểm soát độ nổi của tàu. Những két này sẽ đầy nước khi tàu cần chìm xuống và trút sạch nước bằng khí nén để tàu nổi trở lại.
Các nguồn tin của USNI News nhấn mạnh rằng hệ thống đẩy và lò phản ứng hạt nhân trên con tàu lớp Seawolf này không bị thiệt hại trong vụ việc. Tuy nhiên, họ không đề cập đến việc liệu các ống phóng ngư lôi nằm ở phần phía trước của tàu có bị ảnh hưởng hay không.
Ông Jay Stefany, quyền trợ lý Bộ trưởng Hải quân Mỹ phụ trách nghiên cứu, phát triển và mua sắm, cho biết việc trùng tu tàu Connecticut sẽ làm gián đoạn hoạt động sửa chữa hiện nay tại bốn xưởng tàu vốn rất bận rộn của Hải quân Mỹ.
Đầu tuần qua, các nguồn tin tiết lộ với USNI News rằng Hải quân Mỹ vẫn chưa thể kết luận tàu Connecticut đã đâm trúng vật thể gì khi tuần tra Biển Đông.
Hồi đầu tháng, tờ Politico đưa tin tàu ngầm này có thể đâm phải một vật thể tự nhiên dưới biển.
Tuy nhiên, cựu Đô đốc và Chỉ huy Hạm đội Baltic Nga, ông Vladimir Valuyev nhận định với Đài Sputnik rằng hệ thống điều hướng hiện đại của tàu Connecticut hầu như loại trừ được toàn bộ các tình huống va chạm với đá ngầm.
Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut đã va phải một vật thể chưa xác định khi di chuyển ở Biển Đông trong ngày 2/10, làm 11 thủy thủ trên tàu bị thương không nghiêm trọng. Nhưng mãi 5 ngày sau, Hải quân Mỹ mới công bố thông tin về sự cố va chạm này. Ban đầu, phía Mỹ chỉ báo cáo vụ va chạm bí ẩn xảy ra tại một địa điểm thuộc châu Á – Thái Bình Dương và sau đó mới nêu cụ thể hơn.
Động thái trên đã khiến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên tiếng chất vấn, đòi Washington công bố thông tin chi tiết hơn. “Thái độ vô trách nhiệm, không hợp tác và che giấu thông tin chỉ khiến cộng đồng quốc tế thêm nghi ngờ về ý đồ của Mỹ cũng như những gì thực sự đã xảy ra”, ông Triệu Lập Kiên nêu quan điểm tại buổi họp báo ngày 8/10.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ làm rõ thông tin về vị trí chính xác nơi xảy ra sự việc, ý định điều hướng, các diễn biến chi tiết, vật thể mà tàu ngầm đã đụng phải, liệu vụ va chạm có gây rò rỉ hạt nhân hay tổn hại môi trường biển hay không. Ông Triệu Lập Kiên còn cho rằng nguyên nhân sâu xa của vụ va chạm lần này là do Mỹ "gây rối ở Biển Đông dưới vỏ bọc tự do hàng hải". Đáp lại, phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby cho rằng cáo buộc của Trung Quốc là vô lý vì phía Mỹ đã ra thông cáo báo chí về sự việc.
Theo tính toán của tổ chức Sáng kiến Tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) dựa trên dữ liệu vệ tinh cùng vị trí của các tàu chiến Mỹ khác trong khu vực, tàu Connecticut có thể đã gặp tai nạn tại vị trí phía Đông Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Tàu ngầm lớp Seawolf thuộc loại tàu ngầm tấn công tiên tiến nhất và đắt tiền nhất trong kho vũ khí của Hải quân Mỹ. Chỉ có ba tàu ngầm lớp Seawolf từng được sản xuất với đơn đặt hàng 26 tàu khác bị hủy bỏ vào những năm 1990 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Các hệ thống đẩy hạt nhân của tàu ngầm làm cho sức chịu đựng của chúng hầu như không có giới hạn, ngoài nhu cầu đảm bảo thực phẩm và tiếp tế cho thủy thủ đoàn. Vũ khí trang bị trên tàu gồm ngư lôi Mark 48, tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa hành trình tấn công đất liền.