Quân đội chung EU không cạnh tranh với NATO

Ngày 27/9, tại thủ đô Bratislava của CH Slovakia, trong khuôn khổ cuộc gặp không chính thức các bộ trưởng quốc phòng Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã thảo luận với những người đồng cấp về sáng kiến Đức – Pháp mở rộng và củng cố sự hợp tác quân sự trong khuôn khổ EU.

Quân đội Đức sẽ là trụ cột của quân đội chung EU? Ảnh: Die Welt

Ý tưởng thành lập một quân đội chung của EU không mới, nhưng việc thực hiện dự án luôn bị Anh cản trở. Giờ đây, sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh thì tình hình đã thay đổi.

Anh – Nhân tố kìm hãm

Theo nhật báo Die Welt (Đức), Vương quốc Anh đã phong tỏa mọi nỗ lực nhằm mở rộng sự hợp tác quân sự ở châu Âu, không chỉ bởi vì London e ngại sự xuất hiện đối thủ cạnh tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) trong khi Anh vốn là một đồng minh trung thành của Mỹ trong liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này.

Chủ đề quân đội chung châu Âu là một trong những chủ đề then chốt trong luận chứng của những người ủng hộ Anh rút khỏi EU. Những người này cho rằng nếu Anh vẫn là thành viên EU thì quân đội nước này sẽ sớm bị đặt dưới sự điều hành của bộ máy quan liêu ở Brussels. Tờ The Times hồi cuối tháng 5 đã viết rằng người ta che giấu kế hoạch nói trên đối với cử tri Anh và sẽ chỉ công khai sau cuộc trưng cầu ý dân.

Thực ra, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini đã từng đệ trình một văn kiện có tên gọi "EU Global Strategy on Foreign and Security Policy" (Chiến lược toàn cầu của EU trong chính sách đối ngoại và an ninh) ngay sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh. Tuy nhiên, cả trong văn kiện này và trong sáng kiến chung Đức – Pháp cũng như trong Sách Trắng mới (Chiến lược chính trị-quân sự CHLB Đức) đều không nhắc tới một quân đội chung châu Âu.

Thậm chí mới đây, hồi giữa tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Micheal Fallon đã tuyên bố rằng nước này sẽ ngăn cản bất cứ mưu toan nào "nhân bản" trong EU cơ cấu vốn đang hiện hành trong NATO. Theo ông Fallon, mọi ý đồ là nhằm mục đích tạo ra một đối thủ cạnh tranh với NATO.

EU và NATO không phải đối thủ cạnh tranh

Tuy nhiên, giờ đây có thể không cần phải tính đến sự phản đối của Anh nữa. Ngay từ hồi mùa Hè năm ngoái, khi giới thiệu Sách Trắng mới, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã công khai nói rằng "chúng ta từ lâu đã phải tính đến lập trường của Anh", vốn luôn từ chối thảo luận các chủ đề như vậy. Hiện nay chính phủ Đức cho rằng tình hình đã khác trước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Die Welt ngày 26/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schäfer thẳng thừng tuyên bố: "Tôi không thể hình dung được rằng một nước đã quyết định rời bỏ EU mà ngay trước khi chính thức rút khỏi liên minh lại có thể cản trở những nước còn lại làm điều mà họ muốn".

Đồng thời, ông Martin Schäfer cũng như người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Boris Nannt đã kiên quyết bác bỏ luận điểm về việc dường như có một mưu toan tạo ra một tổ chức thay thế hay đối thủ cạnh tranh với NATO. Theo ông Nannt, vấn đề không phải ở chỗ hoặc là tổ chức này, hoặc là tổ chức kia. Một EU mạnh đòi hỏi một NATO mạnh, liên minh này bổ sung cho liên minh kia và chính sách chung của EU về các vấn đề quốc phòng và an ninh càng mạnh bao nhiêu thì NATO càng có thể vận hành hiệu quả bấy nhiêu.

Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Đức, mối quan hệ giữa NATO và EU hiện nay là tốt đẹp và chặt chẽ hơn bao giờ hết. Ông Martin Schäfer nhắc lại rằng tại hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây tại Warsaw đã thông qua những quyết định về việc tiếp tục đưa hai liên minh xích lại gần nhau. Ông Schäfer nêu rõ: "Bà Mogherini và Tổng Thư ký NATO Jen Stoltenberg rất hiểu nhau. Chính sách của EU không hề nhằm chống lại NATO và tôi không tin người Anh lo ngại về điều này".

Các dự án hợp tác

Trong số các dự án được nêu trong sáng kiến Đức – Pháp phải kể đến việc thành lập một trụ sở chính trị-quân sự chung để điều phối các sứ mệnh khác nhau của EU (hiện nay EU có 30 sứ mệnh tại ba châu lục), thành lập các ban tham mưu chung về điều hành các cơ quan y tế và hậu cần, phối hợp sử dụng các vệ tinh do thám, tiêu chuẩn hóa vũ khí và đạn dược, đồng bộ hóa việc hoạch định quân sự, phối hợp triển khai các đơn đặt hàng quân sự, tổ chức một trường đào tạo sĩ quan chung châu Âu.

Trước khi tới Bratislava, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố: "Vấn đề là cần phải cùng nhau trở nên mạnh hơn và hiệu quả hơn. Không ai trong chúng ta có thể đơn lẻ chống trả lại các cuộc khủng hoảng lớn", bao gồm cả cuộc xung đột Nga – Ukraine. Theo bà Ursula von der Leyen, nhiều nước EU không có khả năng giải quyết một số nhiệm vụ quân sự phức tạp và tốn kém, chẳng hạn như không có nước nào có thể đơn độc tổ chức được một bệnh viện di động. Điều này cũng liên quan đến việc thiết kế chế tạo máy bay không người lái, máy bay và tàu vận tải quân sự, máy bay tiếp liệu.

Trên đường tiến tới một quân đội EU?

Liên quan đến lực lượng vũ trang chung của EU thì Hungary và Séc lên tiếng ủng hộ, trong khi Slovenia đang nghi ngại tính thực tiễn của dự án này. Trong khi đó, một số bước đi, tuy rằng còn bị phân tán, đã được thực hiện.

Bỉ và Hà Lan hiện có một bộ tham mưu hải quân phối hợp. Bộ binh cơ giới của Hà Lan được liên kết với các đơn vị lính tăng và lính dù của Đức. Ba Lan và Đức cùng điều hành việc di chuyển tàu ngầm của các nước này, còn Đức và Pháp đang phối hợp huấn luyện phi công lái máy bay lên thẳng quân sự. Hai nước cũng có một lữ đoàn hỗn hợp gồm 6 nghìn binh sĩ.

Việc thành lập quân đội châu Âu vẫn là mục tiêu dài hạn đối với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu (EP) Elmar Brok. Tuy nhiên, ông Elmar Brok cũng thừa nhận rằng để đạt được mục tiêu này, không những cần thay đổi các hiệp định hiện hành trong EU, mà còn phải dành cho EP thẩm quyền điều hành quân đội này cũng như sửa đổi Hiến pháp CHLB Đức.

Trong khi đó, các nhà phân tích ở Đức cho rằng sẽ rất khó khăn để tiến hành các cải cách như vậy ngay cả sau khi nước Anh rời bỏ EU.

Ngọc Mai (P/v TTXVN tại CH Séc)
Anh phản đối khối quân sự châu Âu hậu Brexit
Anh phản đối khối quân sự châu Âu hậu Brexit

Anh sẽ tiếp tục phản đối các kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng của liên minh và cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN