Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuyên bố nêu rõ: “Tổng thống (Macron) tái khẳng định quyết tâm của Pháp nhằm cung cấp tất cả hỗ trợ cần thiết… Ông cũng có thể nêu cụ thể về các đợt chuyển giao (gói viện trợ quân sự này) trong những ngày và tuần tới nhằm hỗ trợ nỗ lực quân sự của Ukraine”.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ra thông cáo cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cam kết hợp tác và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Kiev. Thông cáo nêu rõ: “Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực tham gia những nỗ lực của cộng đồng toàn cầu nhằm khôi phục hòa bình và theo đuổi công cuộc tái thiết sau chiến tranh ở Ukraine... Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho nhân dân Ukraine”.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky bày tỏ hy vọng tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc. Ông cũng mời người đồng cấp Yoon tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine dự kiến được tổ chức tại Thụy Sĩ trong tháng 6 tới.
Trong một diễn biến khác, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell cho rằng sẽ “rất khó” để khối này tiếp tục cung cấp viện trợ cho riêng Ukraine nếu Mỹ thay đổi các ưu tiên an ninh sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Viện Hoover của Đại học Stanford ở thành phố San Francisco, bang California (Mỹ), ông Borrell chia sẻ: “Chỉ riêng châu Âu sẽ rất khó tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ mà họ cần”.
Các nước phương Tây đã cung cấp viện trợ quân sự và tài chính khổng lồ cho Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022.