Nga gợi ý sản xuất tiêm kích Su-57 tại Ấn Độ

Nga đã đề nghị sản xuất chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm Sukhoi Su-57 tại Ấn Độ, dành cho Không quân Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm Sukhoi Su-57. Ảnh: TASS

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời quan chức Nga và Ấn Độ cho biết thông tin trên hôm 11/2.

Phó giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự - ông Mikhail Babich chia sẻ với hãng tin TASS rằng Moskva sẵn sàng bắt tay với New Delhi cùng sản xuất Su-57. Ông nói: "Tất nhiên, chúng tôi sẵn sàng cho điều đó và tin rằng các đối tác Ấn Độ luôn có thể tham gia dự án”.

Hơn nữa, ông Babich bày tỏ Nga cũng sẵn sàng chia sẻ công nghệ chiến đấu cơ với Ấn Độ.

Trong nhiều thập niên qua, Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ. Đáng chú ý, Ấn Độ cũng chính là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng xuất khẩu của Nga trong những năm gần đây đã gặp cản trở do xung đột đang diễn ra ở Ukraine, khiến New Delhi phải hướng sang các quốc gia khác.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng từng nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu và tăng cường sản xuất quốc phòng nội địa.

Cả Su-57 và đối thủ F-35 Lightning II của Lockheed Martin (Mỹ), đều được trưng bày tại triển lãm hàng không Aero India diễn ra từ ngày 10-14/2 tại Ấn Độ. Năm ngoái, Nga đã đưa tới thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) trong buổi trình diễn hàng không đầu tiên ở nước ngoài.

Dưới đây là video về Su-57 tại triển lãm hàng không Aero India (nguồn: RT):

Hãng thông tấn ANI (Ấn Độ) cho biết nước này có kế hoạch phát triển 5 nguyên mẫu chiến đấu cơ hạng trung tiên tiến thế hệ thứ 5 (AMCA) với khả năng tàng hình, trong 5 năm tới. Tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited (HAL) sẽ sản xuất hơn 200 chiếc AMCA, dự kiến đưa vào sử dụng sau năm 2030.

Su-57 được hình thành cách đây 2 thập niên với lần đầu tiên cất cánh trên bầu trời vào năm 2010. Chương trình phát triển Su-57 vấp phải bước thụt lùi trong năm 2019 khi một tiêm kích này rơi trong quá trình thử nghiệm. Phi công điều khiển chiếc Su-57 đã kịp thời thoát khỏi máy bay và không có thiệt hại nghiêm trọng nào sau vụ việc. Nhưng diễn biến này khiến quá trình chuyển giao chiếc Su-57 sản xuất hàng loạt đầu tiên cho quân đội Nga bị trì hoãn trong gần một năm.

Su-57 sở hữu thiết bị điện tử dựa trên trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), khiến phi công vừa có thể điều khiển và vận hành vũ khí trên chiến đấu cơ cùng một thời điểm, góp phần giảm bớt nhu cầu đối với phi công phụ.

Tiêm kích Su-57 đã có “kinh nghiệm chiến trường” từ năm 2018, khi quân đội Nga điều một cặp đôi phiên bản ban đầu của Su-57 đến Syria tham gia chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo TASS, Reuters)
Nga tiến hành thử nghiệm máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ mới
Nga tiến hành thử nghiệm máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ mới

Vừa qua, truyền thông Nga đã đưa tin về việc nguyên mẫu máy bay chiến đấu Su-57 với đầu phun phản lực phẳng mới đã bắt đầu được thử nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN