Nga cảnh báo phản ứng nếu phương Tây dùng 'vũ khí có thành phần hạt nhân'

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc phương Tây sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân, sau khi Anh hôm 22/3 cho biết sẽ gửi đạn uranium nghèo (DU) tới Ukraine.

Chú thích ảnh
Uranium nghèo cũng được sử dụng để tăng cường vỏ giáp cho xe tăng và xe bọc thép. Ảnh: RIA Novosti

Ông Putin cũng chỉ trích Chính phủ Anh về kế hoạch giao vũ khí cho Ukraine. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Annabel Goldie cho biết nước này sẽ cung cấp cho Ukraine "đạn dược, bao gồm cả đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo".

“Những viên đạn như vậy có hiệu quả cao trong đánh bại xe tăng và xe bọc thép hiện đại”, Bộ trưởng Goldie cho biết khi trả lời câu hỏi của một nghị sĩ Anh.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin coi việc chuyển giao vũ khí trên là một ví dụ khác về việc các nước phương Tây đang nỗ lực chống Nga, đồng thời nói rằng Moskva sẽ buộc phải phản ứng trước diễn biến này. 

“Nếu tất cả những điều này xảy ra, Nga sẽ buộc phải phản ứng, vì thực tế là phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có các thành phần hạt nhân”, Tổng thống Nga nói.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng các nước phương Tây đã mất phương hướng hành động và những hành động này có thể làm suy yếu ổn định chiến lược trên toàn thế giới.

Ông Lavrov lưu ý rằng phương Tây đang vi phạm các chuẩn mực nhân đạo quốc tế, như đã xảy ra vào năm 1999 ở Nam Tư. Đây là chiến dịch quân sự do NATO dẫn đầu ở Serbia, nơi lực lượng NATO cũng sử dụng đạn DU.

Trong khi đó, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg, khi trả lời câu hỏi về việc Anh cung cấp đạn uranium nghèo cho Kiev, tuyên bố ngày 23/3 rằng các thành viên của liên minh này tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc hỗ trợ Ukraine.

"Các thành viên NATO tuân thủ các quy tắc và luật pháp quốc tế trong mọi việc họ làm để hỗ trợ Ukraine", ông Stoltenberg nói với hãng tin AFP khi được hỏi về kế hoạch của Anh và phản ứng tương ứng từ Nga.

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ sẽ không gửi vũ khí uranium nghèo tới Ukraine, nhưng cho rằng chúng không gây ra mối đe dọa phóng xạ vì đây là vũ khí thuộc loại thông thường và đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), uranium nghèo có tính phóng xạ thấp hơn 60% so với uranium được tìm thấy trong tự nhiên, khiến nó phù hợp để sử dụng làm chấn lưu trong tàu và máy bay. Nó cũng được sử dụng trong sản xuất đạn xuyên giáp và tăng cường vỏ giáp cho xe tăng và xe bọc thép.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Ria.ru)
Sự nguy hiểm và uy lực của đạn làm từ uranium nghèo mà Anh sắp gửi cho Ukraine
Sự nguy hiểm và uy lực của đạn làm từ uranium nghèo mà Anh sắp gửi cho Ukraine

Mặc dù kém mạnh hơn nhiều so với uranium làm giàu và không có khả năng tạo ra phản ứng hạt nhân, nhưng uranium nghèo vẫn là vật chất rất độc hại, gây lo ngại về những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN