Cờ NATO và quốc kỳ các nước thành viên tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Quốc hội Litva, kiêm cựu quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – ông Giedrimas Jeglinskas cảm thán: “Người đó là ai?”.
Mỹ hờ hững
Những "thay đổi" trong mối quan hệ với châu Âu của Mỹ diễn ra vào thời điểm đặc biệt đối với Lục địa già, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.
Khi đến thăm NATO trong tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết quân đội Mỹ đang hiện diện ở châu Âu nhưng "những gì xảy ra trong năm hoặc 10 hoặc 15 năm nữa lại thuộc cuộc thảo luận khác lớn hơn".
Ông Hegseth, trong chuyến thăm Ba Lan, đã gọi quốc gia sẽ chi 4,7% GDP cho quốc phòng trong năm nay, là "đồng minh mẫu mực".
Trong bối cảnh này, một số nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định họ hoan nghênh cơ hội để tiến lên. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nhấn mạnh: “Chính quyền mới tại Mỹ đang đặt ra một số câu hỏi khó. Đó cũng chính là cơ hội để chúng tôi vươn lên và nỗ lực hơn nữa. Đây không phải là cuộc thi sắc đẹp về khả năng lãnh đạo hay bất cứ điều gì tương tự như vậy”.
Một quan chức NATO cho biết khối quân sự này đã bắt đầu thay đổi các kế hoạch phòng thủ để giảm tỷ lệ tài sản quân sự mà họ nhận từ Mỹ và chuyển gánh nặng sang châu Âu. Quân đội châu Âu cũng cần chuẩn bị khả năng có thể triển khai một lực lượng gồm 20.000 đến 45.000 binh sĩ, tương tự như Quân đoàn số 5 của Lục quân Mỹ đóng tại Ba Lan. Mỹ vốn có 80.000 binh sĩ đóng ở châu Âu, tăng hơn 25% so với thời điểm trước xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng đang tăng lên. Mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO đang tăng từ 2% GDP lên “cao hơn đáng kể so với 3%” theo tuyên bố của Tổng thư ký Mark Rutte.
Trước hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO tại The Hague vào mùa Hè này, khối quân sự đã vận động các quốc gia thành viên mở rộng quy mô lực lượng phản ứng nhanh để có thể triển khai 100.000 quân trong vòng 10 ngày nhằm ứng phó với một cuộc tấn công, và lên tới 500.000 quân trong vòng 6 tháng.
Quốc gia có tiềm năng chèo lái NATO
Binh sĩ tham gia một cuộc tập trận của NATO tại khu vực biên giới giữa Na Uy và Phần Lan vào tháng 3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tờ Politico dẫn lời chuyên gia nhận định có thể xuất hiện sự kết hợp giữa Anh, Đan Mạch và Hà Lan đều đóng vai trò lớn hơn, vì họ là thành viên lâu năm của NATO ủng hộ Ukraine và tăng chi tiêu quốc phòng.
Nghị sĩ từ một quốc gia thành viên NATO đánh giá với Politico rằng Anh là ứng cử viên rõ ràng để đóng vai trò lớn hơn trong chỉ đạo khối quân sự. Anh đã tiếp quản Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, hay còn được gọi là nhóm "Ramstein", gồm trên 50 quốc gia, trong đó có tất cả 32 thành viên của NATO. Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey trong tháng 2 đã tiếp quản vị trí lãnh đạo Ramstein, đánh dấu mốc lần đầu tiên sau 3 năm cuộc họp hàng tháng của Ramstein không do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chủ trì.
Thủ tướng Anh Keir Starmer gần đây đánh giá: "Rõ ràng châu Âu cần đảm nhiệm vai trò lớn hơn tại NATO khi chúng ta phối hợp với Mỹ để đảm bảo tương lai Ukraine". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập họp khẩn cấp các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris vào ngày 17/2, tập trung vào tình hình Ukraine.
Ngoài ra còn có một số cái tên khác ở châu Âu cũng được coi là ứng viên tiềm năng. Đức có nền kinh tế lớn nhất lục địa. Tuy nhiên, phải đợi đến sau cuộc bầu cử trong tháng này, các kế hoạch phòng thủ mới nhất của Đức mới rõ ràng.
Ba Lan sở hữu lực lượng vũ trang lớn thứ ba của NATO, chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Italy đang dẫn đầu Lực lượng Phản ứng nhanh đồng minh (ARF) của NATO.
Tuy nhiên, Politico lưu ý, cả Anh và nhiều quốc gia châu Âu khác đều không có đủ quân số để lấp đầy khoảng trống nếu chính quyền Tổng thống Trump ra lệnh rút quân quy mô lớn khỏi “Lục địa già”.