Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: PAP/TTXVN
Thông tin trên được Tổng thống Ukraine phát biểu tại một cuộc họp báo ở Đức vào ngày 14/2 khi đến tham dự Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61 tại Munich, miền Nam nước này.
“Nếu chúng tôi không ở trong NATO hoặc cho đến khi chúng tôi ở trong NATO, chúng tôi phải có đội quân có khả năng bảo vệ. Đây là những vũ khí phù hợp và số lượng binh lính phù hợp. Của chúng ta, người Ukraine. Nhưng đây là loại quân số nào?” ông Zelensky đã đặt câu hỏi.
“Tôi chỉ nói với các bạn những con số mà chúng tôi thống nhất với phía quân đội. Đó sẽ là một đội quân gồm 1,5 triệu người!” Tổng thống Zelensky nhấn mạnh nhưng không cho biết rõ con số này có bao gồm lực lượng dự bị hay không.
Ông Zelensky cho biết thêm để duy trì một đội quân như vậy, Ukraine cần một chi phí ước tính tới 60 tỷ USD mỗi năm. Vị tổng thống Ukraine cũng nói rằng quân đội nước này chỉ có 110 lữ đoàn chiến đấu - trái ngược với 220 lữ đoàn của Nga - với chi phí vận hành hiện tại là 40 tỷ USD mỗi năm.
Trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình podcast Lex Fridman vào ngày 6/1, Tổng thống Zelensky đã cho biết Ukraine hiện có 980.000 quân nhân đang phục vụ.
Hôm 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã bày tỏ sự hoài nghi của nước này về khả năng Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần khi đã nói: "Mỹ không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế của một giải pháp đàm phán”. Quan điểm này sau đó đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khẳng định trong tuyên bố sau đó vào hôm 13/2.
Ông Pete Hegseth nhấn mạnh rằng nếu một lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai tại Ukraine, họ phải hoạt động trong khuôn khổ như một phần nhiệm vụ không thuộc NATO và không được bảo vệ bởi Điều 5 của Hiệp ước NATO về phòng thủ tập thể. Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định sẽ không có binh sĩ Mỹ nào được triển khai đến Ukraine như một phần của bất kỳ cam kết an ninh nào.
Ngoài ra, để giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm kết thúc xung đột bằng biện pháp ngoại giao và cho biết việc giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà quân đội Nga đang kiểm soát là một mục tiêu "không thực tế". "Theo đuổi mục tiêu ảo tưởng này sẽ chỉ kéo dài chiến tranh và gây ra nhiều đau khổ hơn", ông nói thêm.
Quan điểm trên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đối lập với những gì chính quyền Kiev tuyên bố, vốn khẳng định mục tiêu giành lại tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine, dù bằng con đường quân sự hay ngoại giao, dựa trên biên giới quốc tế được công nhận vào năm 1991. Bên cạnh đó, chính phủ Ukraine cũng yêu cầu đảm bảo an ninh từ phương Tây, lý tưởng nhất là dưới tư cách thành viên NATO và sự bảo vệ của Điều 5 Hiệp ước NATO về việc phòng thủ tập thể.