Kế hoạch cử 5.000 binh sỹ Anh gìn giữ hòa bình tại Ukraine liệu có khả thi?

Việc Anh triển khai quân tới Ukraine để hỗ trợ gìn giữ hòa bình trong trường hợp đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến sự với Nga sẽ là một "thảm họa", cựu Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh cảnh báo.

Chú thích ảnh
Binh sỹ NATO. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi Mỹ đã phát tín hiệu rằng bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào cũng sẽ không bao gồm binh sĩ Mỹ, Thủ tướng Anh Keir Starmer trước đó cho biết London sẽ "đóng vai trò đầy đủ" trong các nỗ lực duy trì hòa bình tại Ukraine. Điều này mở ra khả năng Anh cử quân đội tới khu vực chiến sự.

Tuy nhiên, Đô đốc Lord West, cựu Tư lệnh Hải quân Anh cho rằng dù quân đội Anh có thể tham gia nếu các lực lượng châu Âu khác cũng được triển khai đến Ukraine theo một thỏa thuận ngừng bắn với Nga, nhưng "họ không đủ mạnh để có thể chống lại bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga".

Vai trò của Anh trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

Theo Đô đốc West, Hải quân Hoàng gia Anh có thể đảm nhận nhiệm vụ giám sát các tuyến hàng hải, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các tàu vận chuyển lúa mì đi khắp thế giới. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Hải quân Hoàng gia Anh quá nhỏ bé, gần như không có đủ tàu.

Tuy nhiên, ông Ed Arnold, chuyên gia an ninh châu Âu tại Viện nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia (RUSI), nhận định giá trị của Anh không chỉ nằm ở lực lượng nhân sự, mà còn ở khả năng chỉ huy và kiểm soát, cũng như vận hành các chiến dịch ở nước ngoài.

Về số lượng, ông Arnold cho rằng Anh sẽ cần triển khai tối thiểu 5.000 binh sĩ đến Ukraine. "Đó là con số tối thiểu, nhưng còn phụ thuộc vào mức đóng góp của các nước khác và việc lực lượng này có thuần châu Âu hay không. Rất có thể đây sẽ là một lực lượng đa quốc gia.”, ông nói.

Ông cho rằng, việc triển khai 5.000 binh sĩ đồng nghĩa với việc sẽ có thêm bốn lữ đoàn được huấn luyện để thay phiên nhau trong các nhiệm vụ kéo dài sáu tháng, nâng tổng số binh sĩ tham gia lên khoảng 25.000 người. "Chắp vá vài nghìn quân cùng với xe thiết giáp hạng nhẹ sẽ không đủ", ông nhấn mạnh.

Anh có đủ khả năng tài chính để gửi quân đến Ukraine?

Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Đô đốc West chỉ trích việc London cắt giảm ngân sách quốc phòng một cách đáng xấu hổ trong ít nhất 15 năm qua."Tôi nghĩ rằng đất nước chúng ta cần ngay lập tức nâng tỷ lệ chi tiêu quốc phòng lên 4% GDP từ hôm nay", ông nói.

Arnold cảnh báo rằng nếu Mỹ cắt giảm hỗ trợ hoàn toàn, Anh sẽ buộc phải tăng gấp đôi cam kết của mình. "Điều đó đồng nghĩa với việc chi tiêu quốc phòng của Anh sẽ phải tăng từ 3 tỷ bảng lên 6 tỷ bảng mỗi năm," ông nói. Với cách NATO đang được điều chỉnh để đối phó với các yêu cầu từ phía ông Trump, Mỹ sẽ không chấp nhận mức chi tiêu dưới 3% GDP từ các đồng minh. Và điều này cần phải được thực hiện chậm nhất vào năm 2027.

Trao đổi với The i Paper vào tháng 1, Tướng Richard Dannatt, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh nhận định, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể cung cấp một phần hỗ trợ, nhưng nhiều khả năng đây sẽ là một nhiệm vụ dưới lá cờ của Liên hợp quốc, với sự tham gia của các nước không liên kết như Ấn Độ, Pakistan và một số quốc gia Nam Mỹ.

Ông cho rằng Anh "có đủ năng lực để tham gia vào sứ mệnh này", nhưng cũng bày tỏ lo ngại về việc liệu London có đủ nguồn lực để thực hiện hay không.

Tướng Dannatt nhận định một thỏa thuận hòa bình bền vững có thể kéo dài trong một thời gian rất dài. "Hãy nhớ rằng chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc từ năm 1953, nhưng đến nay vẫn chưa có hiệp ước hòa bình chính thức. Nếu không có quyết tâm thiết lập một nền hòa bình thực sự lâu dài, tình trạng này có thể kéo dài vô thời hạn", ông nói.

Trước đó, tờ The New York Times đưa tin rằng việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich, diễn ra từ ngày 14 đến 16/2.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo inews/MSN)
Tổng thống Ukraine nói nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị UAV Nga tấn công
Tổng thống Ukraine nói nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị UAV Nga tấn công

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói một thiết bị bay không người lái (UAV) của Nga đã tấn công nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gần biên giới Ukraine - Belarus vào đêm 13/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN