Mỹ lần đầu tiên triển khai tàu sân bay mới nhất, hiện đại nhất

Tàu sân bay mới nhất và tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ đã rời cảng ở Norfolk, bang Virgnia, trong chuyến triển khai đầu tiên ngày 4/10. Con tàu sẽ tham gia tập trận với các đồng minh ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Chú thích ảnh
USS Gerald Ford - tàu sân bay đầu tiên được thiết kế mới đầu tiên trong hơn 40 năm của Hải quân Mỹ. Ảnh: CNN

Theo Hải quân Mỹ, USS Gerald Ford là tàu sân bay mới đầu tiên được thiết kế trong hơn 40 năm qua. Việc đóng tàu sân bay này chính thức bắt đầu vào tháng 11/2009 và nó được đưa vào hoạt động vào năm 2017 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Con tàu là hàng không mẫu hạm đầu tiên thuộc lớp Ford. Hải quân Mỹ đã bắt đầu đóng hai tàu sân bay lớp Ford tiếp theo là USS Kennedy và USS Enterprise.

Tàu sân bay USS Gerald Ford được trang bị công nghệ mới, tiên tiến bao gồm "lượng điện năng gần gấp ba lần" so với các tàu sân bay lớp Nimitz và sử dụng hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS). n.

Hệ thống EMALS sử dụng năng lượng điện để phóng máy bay khỏi tàu thay cho hệ thống máy phóng hơi nước trước đây. Một quan chức Hải quân Mỹ cho biết, hệ thống này gây ít áp lực hơn cho máy bay khi chúng được phóng từ tàu và sẽ mất ít thời gian hơn giữa các lần phóng.

Tàu sân bay USS Gerald Ford cũng có radar băng tần kép, đây là một hệ thống radar tiên tiến hơn. Đây là tàu sân bay tiên tiến duy nhất có loại radar này.

Một quan chức Hải quân Mỹ cho biết, tàu USS Gerald Ford và nhóm tấn công của nó sẽ hoạt động cùng các đồng minh và đối tác ở cả khu vực trách nhiệm của Hạm đội 2 và Hạm đội 6 ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Thời gian triển khai tàu lần đầu tiên sẽ ngắn hơn so với quy trình triển khai tiêu chuẩn kéo dài sáu tháng - quan chức này cho biết thêm.

"Việc triển khai này là cơ hội để thử nghiệm tàu xa hơn và chứng tỏ lợi thế mà lớp Ford và Carrier Air Wing (CVW) 8 mang lại cho tương lai của hàng không hải quân, cho khu vực và cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi", Tư lệnh nhóm tấn công tàu sân bay số 12, Chuẩn Đô đốc Gregory Huffman cho biết trong một tuyên bố.

Hoạt động triển khai tàu USS Gerald Ford sẽ có sự tham gia của "khoảng 9.000 nhân viên từ 9 quốc gia, 20 tàu và 60 máy bay", một thông cáo của Hải quân Mỹ cho biết. Các quốc gia tham gia cuộc tập trận bao gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Trong khi USS Gerald Ford được triển khai vào ngày 4/10, các tàu khác trong nhóm tấn công tàu sân bay cũng sẽ khởi hành ngày 5/10, để sát cánh cùng tàu Ford.

Chú thích ảnh
USS Gerald R. Ford là tàu sân bay hạt nhân lớn nhất của Mỹ. Ảnh: US Navy

USS Gerald R. Ford (CVN-78) là tàu sân bay hiện đại, có thể phóng nhiều phi cơ hơn 25% mỗi ngày và cần ít hơn 25% thủy thủ vận hành so với tàu sân bay lớp Nimitz. Theo một tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ, chi phí vận hành trong khoảng thời gian phục vụ 50 năm của Ford sẽ thấp hơn 4 tỷ USD so với các tàu sân bay tiền nhiệm.

Là tàu sân bay lớn nhất của Mỹ, Gerald R. Ford có chiều dài 333m, rộng 77m, lượng choán nước 100.000 tấn, tháp điều khiển cao 76m. Với "trái tim" là 2 lò phản ứng hạt nhân A1B, mẫu hạm này có tốc độ trung bình 56 km/h, không bị giới hạn tầm hoạt động, có thể chở theo thủy thủ đoàn 4.600 người.

Với kích thước khổng lồ, Ford có thể mang theo tối đa 90 máy bay quân sự các loại, cùng với đó là một hệ thống vũ khí với 2 bệ phóng tên lửa đất đối không RIM-162, 2 bệ phóng tên lửa tầm gần RIM-116, 3 pháo tự động Phalanx CIWS và 4 súng máy M2 12,7mm. Về hệ thống tác chiến điện tử, Ford được trang bị 2 radar quét điện tử chủ động đa chức năng AN/SPY-3 và AN/SPY-4 tân tiến.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Tổng thống Zelensky: Quân đội Ukraine tiến ‘nhanh và mạnh mẽ’ ở miền Nam
Tổng thống Zelensky: Quân đội Ukraine tiến ‘nhanh và mạnh mẽ’ ở miền Nam

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với người dân rằng ông có tin tốt "cả từ tiền tuyến và trên mặt trận ngoại giao" trong bài phát biểu vào tối 4/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN