Tàu sân bay Mỹ tới Hàn Quốc lần đầu tiên sau 4 năm

Một tàu sân bay của Mỹ sẽ tới Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ năm 2018 để tham gia cuộc tập trận chung diễn ra vào cuối tuần này.

Chú thích ảnh
USS Ronald Reagan sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ đến Hàn Quốc sau nhiều năm. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, Hải quân Hàn Quốc ngày 19/9 cho biết nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu sẽ đến thành phố cảng Busan vào ngày 23/9 tới.

“Thông qua việc tổ chức các cuộc tập trận chung, lực lượng hải quân của hai nước có kế hoạch tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và thể hiện quyết tâm vững chắc của liên minh Hàn – Mỹ vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”, Hải quân Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Đầu tháng 9 vừa qua, Triều Tiên đã thông qua luật mới về vũ khí hạt nhân, chính thức tuyên bố trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Cụ thể, luật mới đã trao cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quyền duy nhất để ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân, song quốc gia này có thể tự động đáp trả nếu như bị tấn công hạt nhân.

Tuần trước, chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về diễn biến trên. “Hai bên cam kết tiếp tục nỗ lực sử dụng tất cả các yếu tố sức mạnh quốc gia của cả hai nước để củng cố thế trận răn đe của liên minh”, tuyên bố chung nêu rõ.

Hàn Quốc không phải là một quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng nước này nằm dưới “chiếc ô hạt nhân" của Washington - một cam kết Mỹ đưa ra nhằm bảo vệ các đồng minh bằng mọi cách có thể trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.

Triều Tiên thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và thử nghiệm đầu đạn nhiệt hạch vào năm 2017, sau đó tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân để theo đuổi đàm phán với Mỹ. Quốc gia Đông Á này khẳng định kho vũ khí của họ chỉ dành cho mục đích bảo vệ an ninh quốc gia vì Hàn Quốc và Mỹ đã từ chối ký hiệp ước hòa bình kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950.

Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tham gia vào các cuộc hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un. Sau cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo vào năm 2018, hai bên đã ra một tuyên bố chung rằng Triều Tiên cam kết nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tiến trình vẫn ngưng trệ kể từ đó đến giờ.

Tháng trước, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất trong năm chỉ cách khu vực phi quân sự (DMZ) 30km, mô phỏng một cuộc phản công nhằm vào Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng và nhiều quốc gia khác đã cáo buộc Washington và Seoul làm gia tăng căng thẳng tại khu vực với những chương trình tập trận như vậy.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Chỉ số tín nhiệm Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục phục hồi
Chỉ số tín nhiệm Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục phục hồi

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, mức đánh giá tín nhiệm đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tăng tuần thứ 2 liên tiếp. Diễn biến tích cực này một phần nhờ nỗ lực của chính phủ trong việc cải thiện nền kinh tế và sinh kế của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN