Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Bộ trưởng Austin lưu ý ông đã trao đổi với lãnh đạo một số quốc gia về vấn đề trên, song không nêu tên cụ thể.
Nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không Patriot, bao gồm Tây Ban Nha, Hy Lạp, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Thụy Điển.
Trong thông điệp gửi các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi đầu tháng 4, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh Ukraine cần thêm tối thiểu 7 hệ thống Patriot hoặc hệ thống phòng không cao cấp khác, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev.
* Cũng trong ngày 30/4, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store thông báo Oslo sẽ tăng cường viện trợ quân sự và dân sự cho Kiev trong năm 2024 thêm 7 tỷ kroner (633 triệu USD), lên mức tổng cộng 22 tỷ kroner (2 tỷ USD).
Khoản tiền bổ sung sẽ được chuyển từ gói 75 tỷ kroner mà quốc gia vùng Scandinavia đã cam kết với Ukraine trong giai đoạn 2023-2027 về viện trợ quân sự và dân sự. Cam kết này hiện không có bất kỳ thay đổi nào.
Trả lời họp báo sau cuộc gặp các nhà lãnh đạo phe đối lập để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi về viện trợ, Thủ tướng Store nhấn mạnh tăng cường viện trợ “là vấn đề sống còn đối với Ukraine” và “đây cũng là vấn đề về an ninh, ổn định ở châu Âu, cũng như Na Uy”.
Trong số 7 tỷ kroner sẽ được chuyển cho Ukraine, Na Uy sẽ dành 6 tỷ kroner cho viện trợ quân sự, chủ yếu là phòng không và đạn dược.