Theo nguồn tin, Đức cũng sẽ tiếp tục thúc giục các nước châu Âu đảm bảo cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine.
Trước đó, sau cuộc họp dự kiến cấp Bộ trưởng Ngoại giao của Hội đồng Ukraine - NATO tại Brussels, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi các đồng minh kiểm tra các hệ thống phòng không trong kho vũ khí và xem xét có thể cung cấp cho Ukraine được không.
Đầu tháng này, quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng tuyên bố Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gần đây đã đề ghị ông chuyển 7 hệ thống Patriot. Trong cuộc phỏng vấn sau đó, ông Kuleba nói rằng chính sách ngoại giao thân thiện của ông đã không hiệu quả và hiện ông có kế hoạch đề nghị phương Tây cung cấp hệ thống phòng không Patriot theo cách cứng rắn hơn.
Cho đến nay, Mỹ, Đức và Hà Lan đã gửi một số bệ phóng Patriot tới Ukraine. Trong khi Kiev tuyên bố rằng các hệ thống nay rất hiệu quả trong chống tên lửa đang lao tới thì Bộ Quốc phòng Nga lại cung cấp bằng chứng cho thấy một số bệ phóng và radar đã bị phá hủy.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng, tầm bắn xa nhất từ 70 -160 km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với trần bay của mục tiêu lên đến 24km.
Đây được coi là một hệ thống phòng không đáng gờm, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và các mối đe dọa khác.
Các nước phương Tây đã liên tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Moskva đã liên tục cảnh báo phương Tây không nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó không gì khác ngoài việc leo thang thù địch và kéo dài xung đột. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Moskva sẽ coi những đoàn vận chuyển hàng hóa quân sự từ các nước NATO đến Ukraine là mục tiêu hợp pháp của Nga.