Trang Yahoo News dẫn các hãng tin nước ngoài đưa tin tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU ngày 22/4, Ngoại trưởng Hà Lan Hanke Bruins Slot cho biết Hà Lan đang xem xét mọi khả năng vào lúc này và đang đề nghị hỗ trợ tài chính cho sáng kiến của Đức nhằm giúp Ukraine tăng cường phòng không và mua thêm máy bay không người lái.
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao không gửi một số hệ thống Patriot của mình cho Ukraine, Ngoại trưởng Slot thừa nhận nước này đang xem xét đến tình huống có thể cạn kiệt kho vũ khí nếu cung cấp cho Ukraine.
Tuần trước, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng liên minh quân sự này đã vạch ra các khả năng hiện có của liên minh và có những hệ thống có thể được cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo không nêu tên các quốc gia sở hữu hệ thống phòng không Patriot.
Patriot là hệ thống tên lửa dẫn đường có thể đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Mỗi khẩu đội bao gồm một hệ thống phóng gắn trên xe tải với 8 bệ phóng, mỗi bệ có thể chứa tối đa 4 tên lửa đánh chặn, một hệ thống radar mặt đất, một trạm điều khiển và một máy phát điện.
Ngoài tính hiệu quả cao, một trong những lợi thế chính của các hệ thống do Mỹ sản xuất là quân đội Ukraine đã được đào tạo để sử dụng chúng.
Tuy nhiên, để sản xuất một hệ thống Patriot cần nhiều thời gian, có thể lên tới 2 năm. Chính vì vậy, một số quốc gia không muốn cho đi. Đức hiện có 12 hệ thống nhưng đã cung cấp 3 chiếc cho Ukraine. Trong khi đó, Ba Lan - quốc gia giáp biên giới với Ukraine – có hai hệ thống và cần chúng để phòng thủ.
Khi được hỏi liệu Thuỵ Sĩ có cung cấp bất kỳ hệ thống Patriot nào không, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Pål Jonson trả lời: “Tôi không loại trừ khả năng đó, nhưng hiện tại chúng tôi đang tập trung vào việc viện trợ tài chính”. Ông Pal cũng tiết lộ Thụy Điển sẽ gửi các hệ thống khác có thể giảm bớt một số áp lực về nhu cầu sử dụng Patriot tại Ukraine.
Ông lưu ý nhiều hệ thống phòng không của Mỹ có thể sẽ được cung cấp cho Ukraine sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói hỗ trợ 61 tỷ USD vào cuối tuần qua, bao gồm 13,8 tỷ USD để Ukraine mua vũ khí.
Về phần mình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares nói rằng đất nước của ông sẽ đưa ra quyết định dựa trên khả năng nước này có trong tay để hỗ trợ Ukraine.