Đại sứ mới được bổ nhiệm của Nga tại Nhật Bản Nikolai Nozdrev đã cảnh báo Tokyo về những hậu quả nghiêm trọng và các bước trả đũa nếu hệ thống tên lửa Patriot được sản xuất theo giấy phép của Mỹ ở Nhật Bản được chuyển sang Ukraine, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin ngày 22/3.
RIA Novosti dẫn lời Đại sứ Nozdrev nói rằng Nga sẽ theo dõi chặt chẽ để xem xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản sẽ đi về đâu sau khi Tokyo nới lỏng các quy định xuất khẩu vào cuối năm ngoái.
Đặc biệt, ông Nozdrev lưu ý Moskva sẽ giám sát xem liệu có bất kỳ tổ hợp tên lửa Patriot nào được sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép của Washington, được xuất khẩu sang Mỹ và sau đó chuyển tới Ukraine hay không.
“Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận để đảm bảo rằng những hệ thống Patriot được chuyển giao không đến Ukraine, vì nếu điều đó xảy ra, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với quan hệ song phương (Nga - Nhật), bao gồm cả các bước trả đũa của chúng tôi”, ông Nozdrev nêu rõ.
Trước đó ngày 10/3 báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin, Nhật Bản đã chính thức đồng ý hợp tác với Mỹ để hỗ trợ Ukraine về vũ khí, trang thiết bị quân sự. Cuộc thảo luận chính thức về hợp tác “đồng sản xuất” sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản ở Washington, D.C, vào ngày 10/4 tới.
Là một phần của cuộc thảo luận, Mỹ có kế hoạch mua vũ khí Nhật Bản được sản xuất ở nước này theo giấy phép của Mỹ. Do kho vũ khí của Mỹ đã giảm đáng kể sau khi hỗ trợ tích cực cho Ukraine, Mỹ đã lên kế hoạch mua vũ khí từ Nhật Bản, đồng thời cung cấp cho Ukraine vũ khí của riêng mình.
Mỹ cũng đã thuyết phục Nhật Bản thực hiện một số bước nhằm giảm bớt các hạn chế xuất khẩu, điều này sẽ giúp Ukraine có được nhiều vũ khí hơn. Vấn đề này liên quan đến những thay đổi trong cái gọi là “ba nguyên tắc xuất khẩu” mà Nhật Bản đã điều chỉnh vào tháng 12 năm ngoái.
Với những thay đổi trên, Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện hai đơn hàng. Đơn hàng đầu tiên là cung cấp tên lửa phòng không MIM-104 cho Mỹ để sử dụng với các hệ thống Patriot. Do công ty Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản là nhà sản xuất tên lửa nước ngoài duy nhất cho các hệ thống này với tỷ lệ nội địa hóa cao nên việc xuất khẩu tên lửa sang Mỹ sẽ làm tăng số lượng tên lửa được chuyển sang Ukraine.
Đơn hàng thứ hai bao gồm việc chuyển sang Anh các loại đạn pháo L15A1 155 mm, được sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép và được sử dụng bởi pháo tự hành bánh xích Type 99, pháo tự hành bánh lốp Type 19 và pháo kéo FH-70. Cả Mỹ và Anh đều muốn giúp Ukraine về vũ khí và đạn dược. Vì lý do này, Nhật Bản có ý định chuyển đạn pháo của mình sang Anh, trong khi Anh sẽ chuyển đạn pháo từ kho của mình cho Ukraine.