Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/2 đã công bố điều chỉnh chính sách xuất khẩu vũ khí, theo đó sẽ tăng cường chú trọng đến vấn đề nhân quyền. Điều chỉnh trên được đưa ra trong bối cảnh các nhóm nhân quyền khởi động một dự án nhằm gây áp lực buộc chính quyền phải thay đổi chính sách vũ khí và tăng cường các biện pháp minh bạch.
Chính sách Chuyển giao vũ khí Thương mại (CAT) mới bao gồm việc xem xét hỗ trợ an ninh, chuyển giao vũ khí giữa chính phủ với chính phủ và việc cấp phép chuyển giao vũ khí, trang thiết bị quân sự có nguồn gốc từ Mỹ, do Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại Mỹ giám sát.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, một thay đổi là cách chính sách giải quyết khả năng vũ khí từ Mỹ có thể được sử dụng cho các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Theo chính sách mới, việc chuyển giao vũ khí sẽ không được chấp thuận nếu Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá vũ khí "có nhiều khả năng" sẽ được sử dụng để thực hiện hoặc tạo điều kiện cho tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, vi phạm Công ước Geneva hoặc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Chính sách trước đây nói rằng việc chuyển giao sẽ chỉ được phép khi Mỹ "nhận thấy thực tế" rằng vũ khí sẽ được sử dụng trong các vi phạm như vậy. Chính sách mới cũng cho phép hủy giao dịch nếu vi phạm quyền được ghi nhận sau khi chúng được công bố.
Sự thay đổi này cũng có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu vũ khí nhỏ hơn, chẳng hạn như súng trường tấn công, có thể được sử dụng để nhằm người dân trong nước. Seth Binder, Giám đốc vận động chính sách của Dự án Dân chủ Trung Đông, đã gọi tiêu chí mới được công bố về nhân quyền là "một cải tiến đáng kể so với chính sách của cả chính quyền Donald Trump và Barack Obama".
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ trong cuộc họp báo với các phóng viên đã không nêu rõ việc bán vũ khí được đề xuất cho các quốc gia cụ thể có thể bị ảnh hưởng như thế nào, nhưng cho biết chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục “xem xét và đưa ra các đánh giá rủi ro trong chuyển giao vũ khí trên cơ sở từng trường hợp”.
Chính sách CAT mới đã được phát triển trong nhiều tháng. Reuters đã đưa tin vào năm 2021 rằng chính quyền Mỹ đang xem xét thay đổi chính sách để nhấn mạnh nhân quyền. Chính sách mới được đưa ra khi 10 nhóm quyền khởi động một sáng kiến mới có tên là Dự án Trách nhiệm giải trình đối với việc bán vũ khí, tìm cách gây áp lực buộc chính quyền Mỹ phải thay đổi chính sách vũ khí để tăng cường các biện pháp giải trình và minh bạch.
Chính quyền Mỹ đã tuyên bố rằng họ đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên, trong vài năm qua, những người hoạt động nhân quyền đã bày tỏ quan ngại về việc nước này bán vũ khí cho một số quốc gia bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử, chính quyền của ông Biden vào tháng 1/2021 đã thông báo tạm dừng bán vũ khí cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Nhưng sau đó, chính quyền Mỹ đã phê duyệt việc bán vũ khí cho các quốc gia vùng Vịnh trên mà họ cho là cần thiết để chống lại các cuộc tấn công xuyên biên giới từ phiến quân Houthi của Yemen, bao gồm cả việc bán tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến cho Riyadh.
Cho đến nay, Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, bán khoảng 150 tỷ USD vũ khí, dịch vụ và huấn luyện mỗi năm.