Theo RT, động thái trên xảy ra trong bối cảnh hai đối thủ khu vực Nam Á là Ấn Độ-Pakistan vừa có cuộc đối đầu trực diện trên không đầu tiên sau hàng chục năm.
Trong một tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc hôm 26/7, thương vụ với Pakistan sẽ yêu cầu triển khai khoảng 60 đại diện nhà thầu. Những người này sẽ “giám sát 24/7” phi đội chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất. Chiến đấu cơ F-16 của tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin là một phần trong chương trình “Vì Hòa bình”, bao gồm 12 chiếc F-16C và 6 chiếc F-16D.
Trong khi đó, Washington cũng thông báo kế hoạch bán các thiết bị và linh kiện máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 cho Ấn Độ. Bản hợp đồng cần 23 đại diện nhà thầu. DSCA giải thích thương vụ này “sẽ không làm thay đổi tính cân bằng quân sự cơ bản trong khu vực”. Quyết định được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan có chuyến công du Mỹ và một tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm cấp cao tới Ấn Độ.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng, luôn âm ỉ từ năm 1947, trở nên trầm trọng hơn bởi một vụ đánh bom liều chết được cho là do tổ chức khủng bố Jaish-e Mohammad có trụ sở tại Pakistan chủ mưu nhắm vào một đoàn xe quân sự Ấn Độ ở Pulwama vào ngày 14/2.
Để trả đũa vụ tấn công, Không quân Ấn Độ đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào mục tiêu được cho là doanh trại khủng bố ở Balakot, Pakistan vào ngày 26/2. Sau đó Ấn Độ tuyên bố đã tiêu diệt được 300 kẻ khủng bố.Ngay lập tức, Pakistan bác bỏ sự tồn tại của doanh trại khủng bố, cho rằng khu vực bị tấn công chỉ là một sườn núi hẻo lánh.
New Delhi tố cáo Pakistan đã sử dụng máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ trong đòn tấn công trả đũa vào khu vực Ấn Độ kiểm soát thuộc vùng Kashmir tranh chấp. Nếu điều này là chính xác, đây sẽ vi phạm quy định xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, phản ứng trước lời cáo buộc, Pakistan bác bỏ việc triển khai F-16 trong cuộc tấn công đó, cũng như không thiệt hại chiến đấu cơ nào.