Trả lời phỏng vấn báo Krasnaya Zvezda của Quân đội Nga ngày 18/7, ông Birender Singh Dhanoa, Tư lệnh Không quân Ấn Độ cho biết nước này sẽ ra quyết định về chương trình Su-57 sau khi nó được đưa vào hoạt động tại Nga.
Theo hãng tin Sputnik, “siêu phẩm” máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57 (hay còn gọi là PAK FA và T-50) đã được cấp giấy phép xuất khẩu. Được biết, Chính phủ Nga đang rà soát lại văn bản để chính thức đặt tên máy bay là Su-57.
Theo dự kiến, chiếc Su-57 đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động tại Nga từ cuối năm nay, trong khi chiếc thứ hai sẽ được hoàn thành vào năm 2020.
Xem video cận cảnh tác chiến của Su-57 (nguồn: Zvezda):
Hồi tháng 2, Giám đốc hợp tác quốc tế tại Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rostec (Nga), ông Viktor Kladov cho biết New Delhi đặc biệt quan tâm đến chương trình máy bay chiến đấu thế hệ năm Su-57. Chính sự hứng thú của các đối tác nước ngoài đối với Su-57 đã khẳng định rằng hoạt động sản xuất hàng loạt tiêm kích đa nhiệm này sẽ được triển khai sớm nhất có thể.
Ông Anatoly Punchuk, Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Nga (FSMTC) cho biết Moskva sẵn sàng nối lại hợp tác với Ấn Đồ về tiêm kích thế hệ năm dựa trên công nghệ của Su-57, tuy nhiên, Ấn Độ đã quyết định tạm thời trì hoãn dự án này.
Thông tin về những đặc điểm và tính năng của Su-57 vẫn còn bị hạn chế đối với công chúng. Được biết, tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên không, mặt đất hay trên biển nhờ một hệ thống tiếp nhận mục tiêu tinh vi.
Su-57 có khả năng tàng hình nhờ được sơn một lớp hợp chất hấp thụ sóng radar đặc biệt. “Siêu phẩm” đa năng này được kỳ vọng là chiến đấu cơ kế nhiệm Su-27 trong tác chiến trên không. Ước tính mỗi chiếc chiến đấu cơ tân tiến này có giá khoảng 50 triệu USD.