Theo hãng tin RT, Quân đội Ấn Độ đã được lệnh chuẩn bị đối phó với mọi kẻ thù, thậm chí cả người ngoài tinh. Chương trình tập trận chiến tranh vũ trụ mang tên IndSpaceEx đầy tham vọng dự kiến diễn ra trong hai ngày, nhằm để đánh giá các “mối đe dọa nguy cơ xảy ra” mà New Delhi sẽ có thể gặp phải.
Cuộc diễn tập chiến tranh vũ trụ giả định đầu tiên tại Ấn Độ đã khai mạc hôm 25/7, song ý tưởng này từng được nhắc đến từ hồi tháng 3, sau khi nước này phóng thành công tên lửa chống vệ tinh (A-Sat) và bắn rơi một vệ tinh Microsat-R trong quỹ đạo thấp của Trái Đất. Với thành tựu này, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố đất nước của ông chính là “siêu cường vũ trụ” thứ 4, xếp sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Tờ Times of India dẫn tiết lộ của một quan chức chính phủ giấu tên cho biết: “Ông Modi nói rằng vụ thử A-Sat tháng 3 nhằm giúp Ấn Độ trở nên mạnh mẽ và đảm bảo an toàn hơn, cũng như hòa bình và hạnh phúc hơn. Cùng tầm nhìn trên, IndSpaceEx được tiến hành để xác định những thách thức và hạn chế chủ chốt nếu một cuộc xung đột leo thang đến phạm vi không gian”.
Nhân vật trên cho hay Viện Công nghệ của quốc gia Nam Á này cũng đang nghiên cứu chuẩn bị cho nguy cơ “chiến tranh vũ trụ”.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng người ngoài hành tinh không phải kẻ địch duy nhất mà New Delhi muốn đối phó. Dẫn nguồn một quan chức quốc phòng Ấn Độ khác, Times of India tin rằng một trong những nguyên nhân thúc đẩy chương trình tập trận này chính là tham vọng cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua ngoài không gian.
“Chúng ta không thể ngồi im chờ đợi khi Trung Quốc tiến lên phía trước. Chúng ta không thể so bì với Trung Quốc nhưng nên có tiềm lực để bảo vệ tài sản vũ trụ của mình”, quan chức trên nói.
Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Ấn Độ đạt được thành tựu mới nhất trong cuộc thám hiểm vũ trụ. Hôm 22/9, nước này đã phóng thành công tàu thăm dò Chandrayaan-2 ra ngoài không gian và sẽ đáp xuống vùng Cực Nam của Mặt Trăng trong vài tuần tới. Lần phóng Chandrayaan-2 lên quỹ đạo diễn ra một tuần sau lần thử đầu tiên bị hủy vào phút chót. Vào thời điểm đó, một "sự cố kỹ thuật đã được phát hiện trong hệ thống phóng".
Xem video tàu thăm dò Chandrayaan-2 rời khỏi bệ phóng (nguồn: RT):
Trung Quốc đã hoan nghênh thành tựu trên của Ấn Độ. Bắc Kinh tuyên bố, thay vì cạnh tranh, nước này sẵn sàng hợp tác với New Delhi để thám hiểm vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Tàu thăm dò Hằng Nga-4 của Trung Quốc hồi tháng 1 đã đáp xuống miệng hố Aitken ở bề mặt khuất của Mặt Trăng - vùng địa hình gồ ghề với vô số miệng núi lửa.
Vùng khuất - khu vực trên Mặt Trăng không thể quan sát từ Trái Đất - từ lâu đã lôi cuốn sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới sau khi tàu vũ trụ của Liên Xô chụp được tấm hình đầu tiên về nơi này. Mặt Trăng quay theo quỹ đạo quanh Trái Đất, trong đó mặt tối là mặt không bao giờ được nhìn thấy từ Trái Đất. Các tàu vũ trụ trước đây nhìn thấy mặt tối của Mặt Trăng chưa chưa bao giờ hạ cánh xuống đây. Hiện tại, tàu Hằng Nga-4 là con tàu đầu tiên làm nhiệm vụ thăm dò địa chất và sinh vật học tại đây.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu đuổi kịp Nga và Mỹ để trở thành một cường quốc vũ trụ lớn vào năm 2030. Nước này có kế hoạch khởi công xây dựng trạm vũ trụ có người ở của riêng mình vào năm 2019.