Những đòn tấn công của lực lượng Hồi giáo Hamas từ Dải Gaza nhằm vào Israel hồi năm 2014 ít hiệu quả. Nguyên nhân là vì các rocket của Hamas thời điểm đó dù có được cải tiến, nhưng đa phần đều bị bắn hạ, số rơi xuống lãnh thổ Israel rất hiếm. Điểm mà Hamas ghi dấu ấn trong cuộc xung đột đó chính là khả năng kháng cự mãnh liệt khi đối đầu với chiến dịch tấn công bộ của Israel có sử dụng xe tăng, thiết giáp.
Nhưng đến cuộc đụng độ lần này, phong trào Hamas đã thay đổi chiến thuật tác chiến. Ngay ở giai đoạn đầu khai hỏa, Hamas dường như đã chứng tỏ được sức mạnh và quyết tâm. Để tạo ra sức ép tối thượng trước Israel, Hamas phóng dồn dập rocket với số lượng cực lớn, nhằm áp chế hệ thống Vòm Sắt của đối phương, vốn được cho là có khả năng đánh chặn thành công 85%. Về cường độ, đòn tấn công của Hamas trong hai ngày qua gấp 4-5 lần so với thời điểm năm 2014. (Xem video rocket bắn đi từ Gaza nhằm vào Israel hôm 12/5. Nguồn: Drive).
Đòn đánh của Hamas đã gây ra thương vong cho phía Israel. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng Hamas đã bắt chết điểm yếu của Vòm Sắt: không thể đánh chặn hiệu quả khi bị tấn công áp chế bởi số lượng lớn tên lửa, rocket.
Có vẻ như quy mô chiến dịch tấn công lần này đã khiến giới lãnh đạo quân đội, tình báo Israel bất ngờ. Bởi trong xung đột năm 2014, trong 50 ngày giao tranh, phía Hamas bắn khoảng 4.000 quả rocket về phía Israel, nhưng chỉ trong quãng thời gian từ tối 11 đến sáng 13/5, con số này đã lên tới 1.500.
Đáng chú ý là khả năng đánh theo loạt. Trong hai ngày qua, Hamas đã hai lần khai hỏa hơn 100 rocket trong khoảng thời gian chỉ cách nhau vài phút. Nó cho thấy một thực tế kể từ sau thời điểm năm 2014, phong trào Hamas và nhiều nhóm vũ trang khác ở Gaza đã âm thầm xây dựng được kho tên lửa, rocket ở cấp độ lớn hơn nhiều so với những đánh giá trước đó.
Cũng có thông tin cho rằng rocket do Hamas phóng đi từ Dải Gaza có quỹ đạo bay thấp, khác biệt với các loại tên lửa đạn đạo tầm cao. Đây cũng có thể là một yếu tố giúp rocket thoát khỏi khả năng đeo bám, đánh chặn của Vòm Sắt và những hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Israel.
Chiến thuật dội “mưa rocket” mà Hamas áp dụng lần này đã chỉ ra những điểm yếu của Vòm Sắt từng được đề cập trước đó. Năm 2019, Hamas từng tuyên bố đã tìm ra cách vô hiệu hóa Vòm Sắt bằng chiến thuật phóng đồng loạt rocket vào một mục tiêu duy nhất ở cùng một thời điểm. Tướng Yaakov Amidror, cựu cục trưởng Cục Nghiên cứu Tình báo Quân đội Israel khi đó thừa nhận lá chắn này đã thất bại trước loạt "mưa rocket" của Hamas.
Một khẩu đội Vòm Sắt hoàn chỉnh thường được bố trí 3-4 bệ phóng, mỗi bệ được phiên chế khoảng 20 tên lửa đánh chặn Tamir. Hệ thống này được thiết kế để đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn rocket, đạn pháo, đạn cối (C-RAM), nhưng cũng có thêm chức năng đánh chặn tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ. (Xem video Vòm Sắt đánh chặn rocket của Hamas hôm 12/5. Nguồn: Twitter).
Hiện chưa rõ Israel đưa vào sử dụng bao nhiêu khẩu đội Vòm Sắt, nhưng theo kế hoạch mà quân đội nước này tiết lộ hồi năm 2014, có khoảng 15 khẩu đội được đưa vào biên chế. Đồng nghĩa với việc tổng số tên lửa Tamir ở trạng thái sẵn sàng đánh là 1.200 quả, nhưng được phân bổ dàn trải, khó có thể cùng lúc đánh chặn đòn tấn công áp đảo bằng rocket từ một hướng. Nói cách khác, có thể chỉ có một hoặc một vài khẩu đội là luôn ở trạng thái đánh chặn trên một hướng.
Hơn thế, theo quan điểm huấn luyện tác chiến, quân đội Israel trong nhiều trường hợp chọn cách phóng hai tên lửa Tamir để diệt một mục tiêu, nhằm tăng tỷ lệ đánh chặn thành công của Vòm Sắt. Chiến thuật này phù hợp để đối phó các cuộc tập kích đơn lẻ với lượng ít rocket. Nhưng trong tình huống dội mưa rocket mà Hamas vừa tiến hành, Vòm Sắt của Israel dễ rơi vào tình trạng quá tải.