Được biết đến nhiều hơn với các thỏa thuận thương mại và trợ cấp nông nghiệp, nhưng EU hiện tự hào có một ngân khoản cho vũ khí trị giá 8 tỷ euro, được gọi là Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF), được sử dụng để trang bị vũ khí cho các nước láng giềng của Nga, đền bù cho các quốc gia EU đã tặng xe tăng, máy bay và súng ống cho Kiev, và bây giờ là mua đạn dược cho Ukraine.
Tuy nhiên, các câu hỏi đang đặt ra rất nhanh, với câu hóc búa nhất: Tiền có nên được chi cho các nhà sản xuất ở các quốc gia EU cung cấp tiền hay được rót tới bất kỳ nơi nào chỉ đảm bảo mua hàng nhanh chóng, ngay cả dành cơ hội cho các nhà sản xuất Mỹ?
Việc mua đạn dược nhanh chóng là trọng tâm của lời hứa mà EU đưa ra vào tháng 3 về việc cung cấp một triệu đơn vị đạn dược cho Ukraine trong vòng 12 tháng khi các binh sĩ của nước này đang chuẩn bị cho cuộc phản công dự kiến.
Để đạt được điều đó, Hội đồng châu Âu đã dành 1 tỷ euro từ Quỹ Hòa bình để bồi thường một phần cho các thành viên EU quyên góp dự trữ của họ cho Ukraine và 1 tỷ euro khác để mua sắm chung đạn dược mới.
Jean-Pierre Maulny, Phó giám đốc tổ chức tư vấn Pháp IRIS, cho biết trong khi Pháp cho biết họ muốn khoản mua sắm trị giá 1 tỷ euro được chi ở châu Âu, thì Ba Lan cho rằng không cần giới hạn nào về nơi tiền mặt được chi tiêu.
Một lý do cho các cuộc tranh luận là EU vẫn đang phải lập ra các quy tắc để làm quen với việc trở thành bên mua vũ khí.
Được thành lập vào tháng 3/2021, Quỹ Hòa bình châu Âu đã được cấp ngân sách 5 tỷ euro và tài trợ cho các lực lượng vũ trang ở các quốc gia như Bắc Macedonia, Moldova, Nigeria, Jordan và Gruzia.
Sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát, ngân sách của quỹ đã được tăng cường và tập trung vào hỗ trợ Kiev, hiện ở mức dưới 8 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027.
Việc bồi thường cho các quốc gia EU tặng vũ khí cho Ukraine hiện đang được tiến hành, chẳng hạn như Slovakia sẽ nhận được khoảng 200 triệu euro từ quỹ sau khi bàn giao 13 máy bay MiG-29 đã ngừng hoạt động.
Tomasz Smura, người đứng đầu văn phòng nghiên cứu của tổ chức tư vấn Casimir có trụ sở tại Warsaw cho biết: “Mục tiêu hàng đầu của EPF là tăng cường năng lực quốc phòng của châu Âu, vì vậy tất nhiên sẽ là tốt nhất nếu các quỹ được sử dụng để phát triển năng lực sản xuất quốc phòng của châu Âu”.
Vào ngày 15/11 năm ngoái, EU đã ban hành một quy tắc rằng số tiền bồi thường không nhất thiết phải được chi tiêu trong khối – số tiền này cũng có thể dùng để mua hầu hết các sản phẩm ở Mỹ, hoặc các quốc gia ngoài EU khác như Hàn Quốc, Anh, Israel, Canada.
Danh sách Quân sự Chung của EU, là một danh sách dài các sản phẩm quốc phòng được điều chỉnh bởi các quy tắc xuất khẩu của EU, bao gồm súng, lựu pháo, đại bác, súng cối, vũ khí chống tăng, súng trường, tên lửa, bom, tàu, máy bay, máy bay không người lái, xe tăng và xe bọc thép.
Danh sách trên cũng bao gồm đạn dược. Tuy nhiên, vào tháng 3, khi Hội đồng Châu Âu đưa ra khuyến nghị về việc đẩy nhanh việc mua đạn dược chung cho Ukraine bằng cách sử dụng Quỹ Hòa bình, họ đã nêu rõ: “Hội đồng tiếp tục kêu gọi các quốc gia thành viên cùng mua đạn 155 ly và tên lửa nếu được yêu cầu cho Ukraine theo cách nhanh nhất có thể trước ngày 30/9/2023 từ ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu (và Na Uy).”
Giải thích lý do tại sao khuyến nghị lại loại trừ các giao dịch mua với Mỹ mặc dù các quy tắc của Cơ sở Hòa bình vẫn cho phép, một nguồn tin của EU nói với Defense News rằng các quy tắc đã được hình thành để giúp các lực lượng vũ trang trên khắp thế giới được hưởng lợi từ quỹ và có thể cần phải mua từ bên ngoài EU. Nhưng số tiền khổng lồ liên quan đến việc mua đạn dược nên được chi tiêu ở EU hơn.
“Đó là một khuyến nghị và hiện đang được thảo luận", nguồn tin nói.
Daniel Fiott, nhà phân tích tại Trung tâm Chiến lược, Ngoại giao và An ninh (CSDS) thuộc trường Quản trị Brussels, cho biết: “Tôi có thể hiểu tại sao các quốc gia thành viên không thoải mái khi bỏ tiền vào một quỹ trợ cấp cho ngành công nghiệp Mỹ, nhưng thực tế sẽ khó khăn nếu ngành công nghiệp của chính họ không thể đáp ứng yêu cầu đủ nhanh”.