Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels ngày 14/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các Bộ trưởng đã thống nhất chủ trương hiện đại hóa cấu trúc chỉ huy với kế hoạch thành lập trung tâm chỉ huy Đại Tây Dương để bảo vệ các tuyến đường biển giữa châu Âu và Bắc Mỹ. Họ cũng quyết định thành lập một trung tâm chỉ huy hỗ trợ mới nhằm cải thiện việc di chuyển quân tại châu Âu và tăng cường khả năng phản ứng nhanh của các lực lượng bằng cách thành lập một trung tâm tác chiến để bảo vệ trước các hành động tấn công mạng tại Mons (Vương quốc Bỉ).
Tổng thư ký NATO tuyên bố từ nay đến tháng 6, tổ chức này sẽ quyết định nơi đặt trụ sở của các trung tâm chỉ huy mới cũng như nhân sự của các đơn vị này. Mỹ đã đề xuất nhận đặt trụ sở của trung tâm chỉ huy Đại Tây Dương.
Trong cuộc họp báo sau ngày làm việc đầu tiên, ông Soltenberg tuyên bố các Bộ trưởng đã có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng và hướng tới tương lai về chia sẻ các chi phí quốc phòng. Tất cả đều nhận thấy rằng các nước đồng minh đã đạt được tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để chia sẻ gánh nặng chi phí với Mỹ.
Kể từ khi nhậm chức cách đây hơn một năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo các nước đồng minh NATO phải đạt mục tiêu được xác định từ năm 2014 là tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP trong 10 năm tới.
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng yêu cầu 28 nước thành viên NATO, chủ yếu là các nước châu Âu và cả Canada, tăng cường khả năng quân sự của mình và đóng góp nhiều hơn cho các cuộc chiến do Mỹ đứng đầu. Một quan chức giấu tên của NATO cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đã thông báo cho những người đồng cấp tham dự Hội nghị là chính quyền Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ mọi động thái liên quan trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới tại Brussels.
Trong cuộc họp báo, ông Stoltenberg cũng đã tuyên bố rằng 8 nước thành viên sẽ đạt được mục tiêu 2% năm nay và 15 nước khác sẽ đạt mục tiêu này từ nay đến 2024.
Các Bộ trưởng cũng đã có buổi làm việc với Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, cuộc gặp được xem là quan trọng sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các tác động của một thỏa thuận mới về quốc phòng của EU.