Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo trước hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ngày 13/2. Ảnh: gettyimages |
Theo chương trình, các bộ trưởng tập trung thảo luận về quan hệ hợp tác giữa NATO và EU cũng như các nỗ lực mà châu Âu đã và đang thực hiện trong lĩnh vực quốc phòng. Thỏa thuận hợp tác quốc phòng PESCO giữa các nước châu Âu bao gồm các dự án nhằm phát triển thiết bị quân sự mới và cải thiện hợp tác và ra quyết định liên quan đến phòng thủ.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Washington lo ngại một số sáng kiến được đề xuất trong khuôn khổ PESCO có nguy cơ "rút nguồn vốn và năng lực khỏi NATO". Bất chấp các lo ngại trên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tin tưởng rằng các bên sẽ đạt được sự cân bằng thỏa đáng về việc chia sẻ gánh nặng giữa châu Âu và Bắc Mỹ.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, 2 thành viên quan trọng nhất trong liên minh xuyên Đại Tây Dương này, vốn đang tranh cãi về chiến dịch "Nhành Ô liu" do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ở miền Bắc Syria cũng là chủ đề được quan tâm. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 13/2 cảnh báo tranh cãi này có thể làm chệch hướng cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Nhận định về vấn đề trên, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho rằng những quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ là "chính đáng" vì không đồng minh NATO nào khác phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn Thổ Nhĩ Kỳ, song nước này cần hành động một cách phù hợp. Phát biểu với báo giới, ông Stoltenberg lưu ý rằng: "Có những cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ứng phó với những thách thức mà chúng ta thấy tại Bắc Syria, song NATO không hiện diện trên thực địa".
Bên cạnh đó, hội nghị kéo dài 2 ngày nói trên dự kiến cũng sẽ thông qua các thay đổi về cấu trúc chỉ huy của NATO nhằm đối phó với các thách thức chiến tranh thế kỷ 21, đặc biệt là chiến tranh mạng và các chiến thuật "chiến tranh lai" mới.