Ẩn ý Nga muốn gửi Israel khi chuyển giao S-300 cho Syria

Quyết định tăng cường khả năng phòng không Syria của Nga bằng cách chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 sau vụ tai nạn máy bay tuần tra Il-20 được cho là chỉ muốn cảnh báo, chứ không hề gây ra bất kỳ mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với nền an ninh quốc gia Israel.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga. Ảnh: RT

Tuần trước, máy bay tuần tra Il-20 của Nga chở 15 binh sĩ đã bị bắn rơi ngoài khơi Syria.

Hung thủ trực tiếp bắn rơi máy bay Nga là một tên lửa phòng không của Syria được phóng ra nhằm đáp trả một cuộc tấn công từ không quân Israel. Cuộc tấn công của Israel lúc đó nhằm vào tỉnh Latakia, là nơi đóng căn cứ không quân của Nga.

Moskva cáo buộc Israel không làm tròn trách nhiệm cảnh báo trước cho quân đội Nga về vụ tấn công kịp thời để có thể điều máy bay đến vùng an toàn. Ngày 24/9, quân đội Nga cho biết họ sẽ tăng cường năng lực phòng thủ của Syria để ngăn chặn những vụ tai nạn như trên trong tương lai, với bước đầu là chuyển giao hệ thống phòng thủ S-300.

Điện Kremlin nhấn mạnh rằng các biện pháp của quân đội không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào trong khi Bộ Ngoại giao cho biết quan hệ của Nga với Israel quá “lớn và toàn diện” để bị tổn hại nặng nề từ sự cố vụ Il-20.

Nikolay Surkov – một nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Kinh tế và Quan hệ quốc tế trụ sở ở Moskva – cho rằng việc triển khai S-300 tại Syria sẽ làm giảm năng lực tấn công các mục tiêu ở Syria của Israel, mặc dù hiệu quả đánh chặn phải phụ thuộc vào số lượng khẩu đội và kỹ năng của những người điều khiển hệ thống. Nếu như Israel muốn mạo hiểm hoặc sử dụng các hệ thống vũ khí đắt đỏ hơn, rất có thể Israel vẫn triển khai không kích tại Syria.

Chuyên gia Nga cho rằng Israel rất có thể chịu tổn thất nặng khi thực hiện những cuộc tấn công vào Syria, nếu như gặp phải đòn trả đũa. Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là một cuộc chiến trên không toàn diện ở phía nam Syria mà không có sự liên quan trực tiếp tới Nga.

“Nga đã phản ứng và cho Israel thấy mình không hài lòng như thế nào. Nhưng Nga và Israel là những đối tác, và cả hai bên đều không muốn đưa mối quan hệ đối tác này vào vùng nguy hiểm. Tôi tin rằng cả hai sẽ tìm ra một giải pháp phía trước mà sẽ làm hài lòng hai bên. Người Do Thái sẽ thận trọng hơn trong tương lai trong khi Nga sẽ không có bất kỳ hành động nào khiến căng thẳng leo thang thêm nữa. Tại thời điểm này, không hề có một cuộc đối đầu ở đây, chỉ đơn thuần là những lời khiếu nại lẫn nhau”, chuyên viên nghiên cứu Surkov dự đoán.

Video phô diễn sức mạnh hệ thống phòng không S-300 (nguồn: Bộ Quốc phòng Nga):

Phóng viên Martin Jay làm việc tại Beirut bình luận với kênh RT: “Tôi nghĩ Nga chỉ muốn cho Israel thấy ai là người chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn kia và Nga sẽ không chấp nhận thêm bất kỳ điều vô lý nào cả”.

“Việc Israel có lúc vượt quá giới hạn trong một mối quan hệ đặc biệt với Nga là điều không thể tránh khỏi. Thỏa thuận mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đạt được với Israel là không tưởng. Thỏa thuận cho phép Israel thực hiện các cuộc không kích xuyên quốc gia nhằm vào các mục tiêu mà Israel cho là cơ sở sản xuất vũ khí của phong trào Hezbollah hay căn cứ quân sự của Iran”, ông Martin cho hay.

Trước đó, Nga còn cam kết sẽ ngăn chặn lực lượng binh sĩ ủng hộ Iran tránh xa biên giới Syria-Israel và đóng băng một cuộc chuyển giao hệ thống tên lửa tầm xa S-300 cho lực lượng Syria. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn Il-20, thỏa thuận chuyển giao đã được nối lại và sớm hoàn thành trong hai tuần.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
S-300 đáng sợ thế nào mà Israel ngăn cản Nga cấp cho Syria?
S-300 đáng sợ thế nào mà Israel ngăn cản Nga cấp cho Syria?

Trong vòng 18 tháng qua, không quân Israel đã “thoải mái” oanh tạc các mục tiêu tại Syria mà không chịu thiệt hại nào đáng kể. Nhưng từ nay máy bay Israel chắc chắn sẽ đối mặt rủi ro lớn khi phòng không Syria được trang bị “rồng lửa” S-300 Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN