Moskva đã quyết định sẽ triển khai hệ thống phòng không S-300 tới Syria chỉ trong vòng 2 tuần sau vụ máy bay quân sự Il-20 bị bắn rơi khiến 15 quân nhân thiệt mạng trong thảm kịch liên quan đến vụ không kích của máy bay Israel tại Syria.
Moskva cáo buộc Israel đã không thông báo cho Nga về cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu tại Syria, dẫn đến việc máy bay tuần tra Il-20 của Nga vô tình bị tên lửa phòng không Syria bắn trúng. Moskva kết luận những hành động đó rõ ràng "vi phạm các thỏa thuận Nga-Israel năm 2015". Theo thỏa thuận này, Nga đã dừng bàn giao hệ thống S-300 cho Syria, dù Damascus đã mua hệ thống này cách đây vài năm.
Quân đội Syria từ lâu đã tìm cách sở hữu “rồng lửa” S-300 từ Nga, tuy nhiên, các cuộc đàm phán vốn bắt đầu từ giữa những năm 2000 đã bị ngừng lại do cuộc nội chiến bùng phát năm 2011. Hệ thống phòng không hiện tại của Syria chủ yếu là những hệ thống tên lửa đời cũ như S-125 và S-200. Tuy nhiên, vụ máy bay tuần tra Nga bị bắn rơi tại Syria đã làm thay đổi “cuộc chơi” bởi những năng lực “đáng sợ” của hệ thống S-300.
Xem video S-300 Nga khai hỏa dữ dội:
Bảo vệ tầm xa
Tổ hợp S-300 được phát triển tại Liên Xô từ thập niên 1970 và mục đích chính là nhằm bảo vệ và kiểm soát không phận trước mối đe dọa từ máy bay ném bom, tiêm kích và các mục tiêu đường không khác. Cho đến nay, S-300 vẫn là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới, một thứ vũ khí được rất nhiều nước khao khát sở hữu bởi tính hiệu quả hàng đầu trong bảo vệ vùng trời.
Tùy thuộc vào những loại tên lửa cụ thể được sử dụng (phiên bản xuất khẩu thường có năng lực nhẹ hơn), “cỗ máy chiến tranh” này có tầm bắn lên tới 250km. Chưa được chính thức xác nhận, nhưng nhiều khả năng Syria sẽ nhận được biến thể S-300 VM tiên tiến hơn thay vì S-300PMU2, vốn được lên kế hoạch bàn giao cho Damascus trước đây.
Dù là biến thể nào, S-300 vẫn cho phép Syria phát hiện và theo dấu các máy bay Israel ngay khi vừa cất cánh khỏi các căn cứ trên lãnh thổ Israel. "Rồng lửa" S-300 được trang bị nhiều loại radar tối tân, bao gồm đài radar trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, radar trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, radar điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với radar dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối.
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tấn công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa, độ cao lớn. Kết hợp với năng lực chết chóc của các tên lửa, tính năng bảo vệ tầm xa có thể hủy hoại ưu thế trên không của Israel trong các cuộc tập kích mục tiêu tại Syria.
Tự động hoàn toàn
Hoạt động của S-300 được tự động hóa hoàn toàn, và hệ thống này có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu trên không cùng một lúc. Nó cũng có thể dễ dàng và nhanh chóng thay đổi các vị trí khai hỏa để tránh trở thành mục tiêu tấn công trả đũa của quân địch.
Các biến thể xuất khẩu của S-300 có khả năng tương thích với các hệ thống phòng không gốc của Nga, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đang lên kế hoạch hợp nhất các hệ thống phòng không Syria với thiết bị vũ khí của Nga tại Syria. Điều này cho phép khả năng nhận diện ta – địch với các máy bay Nga bay trên bầu trời Syria, đồng thời cho phép Syria sử dụng dữ liệu từ các trạm radar Nga để phát hiện mục tiêu kẻ thù.
Bảo vệ tốt hơn, khó bị phát hiện hơn
Để tránh bị quân địch phát hiện, các bệ phóng S-300 và phương tiện hỗ trợ sử dụng nhiều cách ngụy trang khác nhau, như lưới ngụy trang biến hóa. Các bệ phóng cũng thường được đặt xuống hào. Mặc dù đây có vẻ như một giải pháp thô sơ, nhưng nó giúp bảo vệ hệ thống khỏi các vật thể phóng bay lạc hoặc các vụ nổ ở gần đó.
Thêm nữa, một khẩu đội S-300 có thể được bổ sung một thiết bị đặc biệt, có khả năng phát hiện các tên lửa chống radar đang phóng tới và tắt các trạm radar S-300 trong lúc đang triển khai vật nghi trang để nhử mồi và đài nhiễu âm.
Trang bị tên lửa mạnh mẽ
Các hệ thống S-300 sử dụng một loạt các tên lửa từ tầm trung đến tầm xa để tiêu diệt mục tiêu đường không. Hầu hết các biến thể có thể mang đầu đạn nặng từ 130-150kg, với các hệ thống dẫn đường bán chủ động. Các đầu đạn đều được trang bị một kíp nổ tiếp cận và kíp nổ tiếp xúc. Các tên lửa nặng khoảng 1.450 kg - 1.800 kg, được phóng ra khỏi ống phóng trước khi các động cơ kích hoạt, có thể tăng tốc lên 1 km/s.
Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của Không lực Mỹ cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.
Mặc dù không phải hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất và chưa từng khai hỏa trong một cuộc xung đột thực sự, S-300 vẫn được coi là hệ thống không đối đất năng lực cao, nhờ các thiết bị điện tử chống nhiễu âm.
Tháng 4/2005, NATO đã có một cuộc tập trận tại Pháp và Đức. Các quốc gia tham gia rất vui mừng vì Không quân Slovakia đã mang theo một hệ thống S-300PS dù đó là phiên bản cũ từ thập niên 1980, cho NATO cơ hội duy nhất để tìm hiểu hệ thống này của Nga.
Hiện nay Israel đang tìm cách mua các máy bay chiến đấu F-35 Lightning II để hoá giải nguy cơ từ các tên lửa S-300 đã được Nga cung cấp cho Iran.