Tính toán làm nông khi ngày càng ít lũ

Tình trạng lũ về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thất thường như vài năm qua đã đặt ra yêu cầu thay đổi giống cây trồng, vật nuôi và thói quen canh tác nông nghiệp đối với tất cả các địa phương trong toàn vùng.

Tổ chức lại sản xuất

Trong suốt hành trình chúng tôi đi từ các tỉnh đầu nguồn đến cuối nguồn tại vùng ĐBSCL, người dân cũng như cán bộ nơi này đều có chung nỗi lo lắng, khi lũ về ít như năm nay sẽ gây khó khăn lớn trong sản xuất. Ông Mai Văn Bộ, Trưởng phòng nông nghiệp huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, năm nay, lũ về ít và muộn, không có nước làm vệ sinh đồng ruộng, cỏ dại và sâu bệnh sẽ phát triển mạnh hơn, ruộng đồng không có phù sa bồi đắp nên phải bón nhiều phân hơn. “Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ bị tăng lên. Theo tính toán, mỗi công ruộng (1.000 m2) phải đội chi phí lên 300.000 đồng. Điều này sẽ rất khó khăn với người nông dân khi lúa bán ra vốn không đem lại bao nhiêu lợi nhuận”, ông Bộ cho biết.

Mô hình trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân Đồng Tháp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình lũ năm 2016 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm có thể gây thiếu nước tưới, mặn xâm nhập sâu vào cuối vụ lúa mùa và lúa đông xuân 2016 - 2017 ở nhiều nơi. Đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, với tình hình hiện nay có thể xâm mặn sẽ xuất hiện sớm hơn một tháng và kết thúc muộn hơn 1 tháng. Dự báo xâm mặn sẽ vào sâu đất liền so với trung bình nhiều năm từ 10 - 20 km, ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ đông xuân, đồng thời kéo sang cả vụ hè thu.

Do đó, cùng với những khó khăn khi lũ ít thì nguy cơ hạn mặn, đặt ra yêu cầu cấp thiết tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Đã đến lúc cần phải thay đổi phương thức canh tác lệ thuộc vào thiên nhiên như hiện tại, từ đó thích nghi với điều kiện khắc nghiệt, đảm bảo sản xuất hiệu quả nhất. TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT cho rằng, các tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển từ tư duy phát triển theo diện tích, năng suất, sản lượng sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất, từ đó cơ cấu lại các sản phẩm theo thị trường và lợi thế so sánh. “Đã tới lúc chúng ta cần tính đến lịch thời vụ, cơ cấu giống, biện pháp canh tác, nhất là biện pháp thủy lợi khác đi.

Nuôi lươn đã đem lại thu nhập cao cho gia đình ông Hồ Thành Công, ấp 2, xã Thường Phước 2 (Hồng Ngự, Đồng Tháp).

Ngoài ra, công thức luân canh phải thay đổi, nếu trước kia sản xuất 2 - 3 vụ lúa thì bây giờ phải tính đến sản xuất 2 lúa 1 màu hoặc 1 lúa 1 màu, lúa - cá, lúa - tôm”, TS Đặng Kim Sơn cho biết. TS Sơn đề xuất thêm, đã có một số mô hình sản xuất thí điểm đã mang lại lợi nhuận, địa phương cần chọn lựa các mô hình quan trọng nhất cho chuỗi, vùng. Nếu mô hình thành công, đúng hướng sẽ kêu gọi được hỗ trợ từ nhà nước và các tổ chức. Bên cạnh đó, nên thành lập nhóm ban chỉ đạo của tỉnh, có chuyên gia, đại diện doanh nghiệp. “Chúng ta phải mạnh dạn thay đổi. Đã đến lúc cần tự cứu mình trước khi trời cứu”, TS Sơn nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang triển khai nhiều mô hình, giải pháp giúp người dân không có lũ như mô hình nuôi lươn trong bể đất, nuôi ếch, cá đồng trong bè tre nhỏ... và phát triển hoa màu chủ lực như bắp, đậu nành, mè và ớt nhằm thu hút lao động, nhất là lao động nhàn rỗi trong mùa nước nổi.

Ngoài các loại cây chủ lực trên, một số địa phương đang phát triển các loại hoa màu đặc thù như khoai lang ở Châu Thành, nấm rơm, dưa lê ở Lai Vung; sen ở Cao Lãnh, Tháp Mười, khoai môn ở Lấp Vò, kiệu ở Lấp Vò và Tam Nông... Bên cạnh đó tỉnh chuyển từ sản xuất lúa vụ 3 sang các hình thức sản xuất khác mang lại hiệu quả cao hơn như nuôi trữ cá tự nhiên, khai thác cây thủy sinh, nuôi cá đồng, tôm càng xanh... đảm bảo trữ nước hợp lý khi không có lũ.

TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, toàn vùng phải chủ động ứng phó với hạn mặn. Chỉ nên cho trồng lại diện tích canh tác được từ vụ năm ngoái. “Nhưng đến nay, chưa có tỉnh nào công bố nông dân xuống giống bao nhiêu ha, nông dân cứ thấy đến mùa là xuống giống. Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ mùa khô năm ngoái đến mùa khô năm nay nhưng ngành nông nghiệp chưa thực sự rút được bài học”, TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ưu tiên đầu tư công trình trọng yếu

Về lâu dài, theo các chuyên gia về môi trường, kinh tế nông nghiệp, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu thì cần thiết phải rà soát lại quy hoạch lũ của ĐBSCL. Việc quy hoạch phải đặt trong bối cảnh có xét đến các tác động bất lợi về dòng chảy lũ, số lượng lũ vừa và nhỏ sẽ tăng. Trong khi đó, ngập vùng ven biển và trung tâm đồng bằng lại có xu thế gia tăng do ảnh hưởng của nước biển dâng. Bên cạnh đó, xem xét lại sự cần thiết và thứ tự ưu tiên của việc xây dựng các cống kiểm soát lũ ven sông Hậu, Nam kênh Tân Thành - Lò Gạch trong khi các mối đe dọa ngập trước mắt là ảnh hưởng từ biển.

Theo TS Tô Quang Toản, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cần ưu tiên các cống ngăn mặn cặp theo sông Tiền, sông Hậu để ứng phó với các trường hợp mặn xuất hiện sớm và vào sâu theo các dòng chính. Các cống này sẽ có tác dụng với các trường hợp mặn rút muộn hoặc mặn bất thường do vận hành thủy điện ở thượng lưu, vừa kết hợp kiểm soát mặn và ngăn triều cường gây ngập trong điều kiện có xét đến BĐKH, nước biển dâng. Thay thế từng phần, từng bước hình thức vận hành của các cống ngăn triều và kiểm soát mặn, đặc biệt các cống lớn cặp theo các sông chính để chủ động đóng mở khi cần góp phần chủ động về nước tưới, tích trữ nước hay tiêu thoát nước bảo vệ môi trường chất lượng nước trong vùng bảo vệ.

Còn theo GS.TS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, cần liên kết các hệ thống thủy lợi nhỏ lẻ thành các hệ thống lớn hơn để chủ động nguồn nước trong các thời kỳ mặn có thể kéo dài hơn như: hệ thống Gò Công - Bảo Định (Tiền Giang), Nam Măng Thít - Vĩnh Long, Nam - Bắc Bến Tre... và khép kín hệ thống ngăn mặn ven biển Tây. Bố trí các trạm bơm có quy mô nhỏ và vừa cho các vùng ven biển để đáp ứng, có thể bơm tưới, tiếp nước và gạn ngọt trong các trường hợp mặn xâm nhập kéo dài.

Đồng thời, phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ các cánh đồng mẫu lớn có kết hợp các trạm bơm vừa và nhỏ để chủ động sản xuất, nâng cao hiệu quả tưới, kiểm soát dịch.
Bài và ảnh: Anh Đức - Thu Trang
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị

Thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN