Chọn giống cây chủ yếu do cảm tính
Mùa mưa là thời điểm bà con xuống giống và cũng là vào mùa thu hoạch của các cơ sở ươm, kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Khảo sát một số cơ sở ươm và kinh doanh cây giống trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp cho thấy, hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập. Nguồn giống cung cấp ra thị trường rất đa dạng phong phú, từ các loại cây công nghiệp (cà phê, tiêu, điều, mắc ca...), cây ăn trái (sầu riêng, bơ, mít, quýt...) đến các loại cây rừng, cây che bóng...
Sản xuất rau an toàn tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông. Ảnh: TTXVN |
Ngoài nguồn giống sản xuất trong tỉnh, các cơ sở cũng nhập giống từ các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre về bán. Theo các đại lý, giá của một số loại cây giống như sầu riêng, bơ, hồ tiêu tăng vọt so với năm ngoái. Chẳng hạn, giống sầu riêng đầu mùa giá khoảng 120.000 đồng/cây (tăng gấp đôi), bơ bán 45.000 - 50.000 đồng/cây (tăng khoảng 10.000 đồng/cây)... Nguyên nhân là người dân có nhu cầu lớn, trong khi đó năm nay nguồn cung cấp giống khan hiếm do đồng bằng sông Cửu Long bị hạn mặn nặng.
Tuy nhiên, chất lượng cây giống đang là băn khoăn lớn của người dân. Để đáp ứng cây giống phục vụ sản xuất, nhiều hộ dân đã tự ươm trồng còn lại thì mua ở các cơ sở kinh doanh. Việc lựa chọn cây giống chủ yếu theo cảm tính, truyền tai nhau hoặc tin tưởng vào lời giới thiệu của những người kinh doanh mà rất ít khi tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, chất lượng cây giống.
Tại một cơ sở kinh doanh ở Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, sau một hồi lựa chọn, chị Thị Bốt, ở bon Đắk R’Moan, xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa cũng mua được một xe cày cây giống gồm điều, bơ và cây muồng với tổng số tiền thanh toán gần 5 triệu đồng. Chị Thị Bốt cho biết, năm nay hạn hán kéo dài nên vườn cà phê gần 2 ha của gia đình chết mất gần 300 cây. Để khôi phục sản xuất, gia đình chị lại đào hố và mua giống về trồng.
Bỏ ra số tiền kha khá để mua giống nhưng khi được hỏi về cơ sở để lựa chọn nguồn giống thì chị Thị Bốt ậm ừ: “Mình thấy đây là cơ sở bán cây giống lâu năm, được nhiều người đến mua nên mua theo. Người ta cũng cho số điện thoại để khi trồng mà cây chết hoặc không có trái thì liên hệ”.
Còn gia đình ông Nguyễn Ngọc Sơn (thôn Tân Lợi, xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa) có 5 ha đất trồng cà phê, tiêu, bơ, sầu riêng. Để thay thế những cây già cỗi, bị sâu bệnh chết ngoài việc mua hạt giống về tự ươm thì mỗi năm ông cũng phải bỏ ra đôi ba triệu mua giống từ các đại lý. Là người có kinh nghiệm làm vườn nhưng ông Sơn đã từng nhận “quả đắng” khi mua phải giống bơ kém chất lượng.
Ông Sơn cho biết, 4 năm trước hai vợ chồng đi hội chợ nông nghiệp thấy đơn vị quảng cáo giống bơ sáp, hình ảnh và quả trưng bày rất bắt mắt nên mua 20 cây về trồng thử. Dày công chăm sóc, đến nay cây đã bắt đầu cho trái, nhưng hạt to, cùi mỏng và sượng. Ông Sơn cho rằng, mua giống thời nay “may nhờ rủi chịu”, nếu may mắn mua được giống tốt thì có hiệu quả kinh tế, còn mua phải giống kém chất lượng thì vừa tốn tiền giống vừa tốn công chăm sóc. “Ở khu vực nhà tôi, những hộ mua phải giống cây trồng không bảo đảm chất lượng không phải là ít”, ông Sơn nói thêm.
Khó khăn trong quản lý
Người dân băn khoăn về chất lượng giống là có cơ sở bởi nếu mua phải cây giống kém chất lượng thì sẽ bị “thiệt đơn thiệt kép”, mất tiền giống, công chăm sóc mà không có thu hoạch. Hơn nữa, ngay cả nhiều cơ sở kinh doanh giống cây trồng cũng không dám khẳng định cây giống mình bán ra là bảo đảm chất lượng. Dù một số cơ sở kinh doanh giống cây trồng có quảng cáo, công bố chất lượng sản phẩm rất nổi trội trên bao bì sản phẩm, nhưng trên thực tế về chất lượng giống cây của họ chưa có một cơ quan nào thẩm định.
Hiện nay, công tác quản lý về sản xuất, kinh doanh cây giống tại Đắk Nông còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đắk Nông, hiện nay thị trường giống cây công nghiệp và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh cung không đủ cầu, nhất là các loại cây những năm gần đây có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, sầu riêng, bơ. Đây cũng chính là điều kiện để những hộ, đơn vị ươm trồng, kinh doanh cây giống sản xuất ẩu hoặc trà trộn những loại giống kém chất lượng vào để bán cho bà con. Trong khi đó, chế tài xử phạt quá thấp so với lợi nhuận bán cây giống nên nhiều đơn vị, cá nhân biết sai nhưng vẫn làm.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông thừa nhận, tình hình sản xuất, kinh doanh, cung ứng giống trên địa bàn còn tồn tại nhiều hạn chế như sản xuất giống không đúng quy trình kỹ thuật, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hạt giống, hom giống không đảm bảo, kiểm dịch thực vật chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý Nhà nước về giống cây trồng chưa thống nhất. Chẳng hạn như việc cấp phép kinh doanh thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong khi việc kiểm tra xử lý thuộc thẩm quyền của ngành nông nghiệp. Vì vậy, dù phát hiện những sai phạm nghiêm trọng nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh, nhiều cơ sở năm trước vi phạm năm sau vẫn tái diễn...
Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho hay, hiện nay các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh phát triển theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, không có giấy phép kinh doanh. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, qua đó, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh nắm rõ các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực kinh doanh, mua bán cây giống. Hiện nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không mua, đưa vào gieo trồng các loại giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh thiệt hại về sau. Bà con nên đọc kỹ các thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác và chủ động đề nghị được xem hóa đơn, nguồn gốc của cây giống trước khi chọn mua.