Đắk Lắk: Giống cây trồng kém chất lượng bày bán tràn lan

Giống cây trồng kém chất lượng đang được bày bán tràn lan ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nơi được đánh giá là vùng sản xuất và cung cấp cây giống lớn nhất cho cả khu vực Tây Nguyên.

Loạn giống cây trồng mang “thương hiệu” Ea Kmát

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa mưa, mùa xuống giống các loại cây trồng lâu năm, cây rừng... Trong số các vùng trọng điểm về sản xuất giống cây trồng, xã Hòa Thắng là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng nhất của khu vực Tây Nguyên. Các cơ sở kinh doanh giống cây trồng ở Hòa Thắng không chỉ cung cấp cây giống cho nông dân tỉnh Đắk Lắk mà còn phục vụ nhu cầu trồng trọt cho toàn vùng Tây Nguyên. Điều đặc biệt ở Hòa Thắng là hầu hết các cơ sở kinh doanh giống cây trồng đều sử dụng chiêu "dụ" khách khi treo biển mang “thương hiệu” Ea KMát, kèm theo tên chủ hộ kinh doanh hoặc tên doanh nghiệp. Nguyên nhân là, các loại cây giống do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp (KHKTNLN) Tây Nguyên (trước đây có tên cũ là Viện Cà phê Ea KMát) sản xuất có chất lượng tốt, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật nên được nông dân trong và ngoài tỉnh tin dùng. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đã sử dụng thương hiệu này để “câu” khách. Mỗi khi bước chân vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, người mua đều bị các chủ cơ sở này thuyết phục mua cây giống, thậm chí họ còn khẳng định rằng giống cây của họ còn tốt hơn của Viện KHKTNLN Tây Nguyên.

Ở xã Hòa Thắng, “thương hiệu” giống cây trồng mang tên Ea KMát được sử dụng nhan nhản.


Kỹ sư Đỗ Trọng Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Ea KMát (Công ty Ea KMát) cho biết: Hiện loại cây giống được doanh nghiệp sản xuất nhiều nhất là cà phê, ngoài ra còn có một số loại giống khác như hồ tiêu, ca cao, cây ăn trái, các giống cây phục vụ trồng rừng... Tuy nhiên, hiện sản phẩm chính là cây cà phê giống thì công ty cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của thị trường, số còn lại là do các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cung cấp. Và để tạo lòng tin cho khách hàng, các cơ sở này thường quảng cáo rằng, hạt giống và chồi ghép của họ được mua của Công ty Ea KMát, nhưng thực chất là do họ tự làm hoặc mua trôi nổi trên thị trường.

Thiệt hại khó lường

Trước thực trạng các cơ sở sản xuất giống “trăm hoa đua nở" ở khu vực xã Hòa Thắng, mới đây thành phố Buôn Ma Thuột đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc sản xuất kinh doanh cây giống ở đây. Kết quả là: Toàn bộ 15 cơ sở được kiểm tra ngẫu nhiên đều không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Các lỗi vi phạm phổ biến của các cơ sở này là: Không có vườn giống đầu dòng, không có vườn chồi được công nhận; không có cán bộ kỹ thuật; sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng không có trong danh mục và chưa được phép lưu hành... Đoàn kiểm tra đã thực hiện lập biên bản xử phạt với tổng số tiền 73,65 triệu đồng, trong đó mức phạt thấp nhất là 800.000 đồng, cao nhất là 17,25 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Buôn Ma Thuột, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, không chỉ 15 cơ sở được kiểm tra không đủ tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giống cây trồng mà có thể khẳng định hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng ở Hòa Thắng không đủ tiêu chuẩn hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này có nghĩa là toàn bộ cây giống của hơn 300 cơ sở, doanh nghiệp ở Hòa Thắng đều là giống kém chất lượng. Cũng theo ông Bằng, dù một số cơ sở có công bố chất lượng trên bao bì, nhưng đó cũng chỉ là “làm cho oai”, vì chất lượng cây giống do họ công bố chưa được cơ quan chức năng nào kiểm định.

Ông Nguyễn Minh Tặng, Phó Chánh thanh tra Sở NN&PTNT lo ngại việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phát triển theo kiểu tự phát rồi sản xuất và bán tràn lan các loại cây giống kém chất lượng sẽ gây ra những thiệt hại lớn và khó lường về lâu dài cho những người nông dân mua giống của họ. Theo tính toán, mỗi ha cà phê từ khi trồng đến lúc thu hoạch bói (3 năm), người trồng phải đầu tư hơn 100 triệu đồng. Nếu mua phải giống kém chất lượng phải ít nhất 5 năm mới xác định được nên thiệt hại sẽ rất lớn. Trong khi đó, hầu hết việc mua bán cây giống vẫn thực hiện theo hình thức “tiền trao cháo múc”, không hề có hóa đơn chứng từ, nên khi bị thiệt hại, người dân không thể đòi bồi thường.

Nhằm hạn chế tình trạng sản xuất cây giống kém chất lượng trên địa bàn tỉnh, Thanh tra Sở NN&PTNT Đắk Lắk đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chấn chỉnh việc cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng theo yêu cầu của Pháp lệnh Giống cây trồng; thường xuyên tổ chức, kiểm tra để chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực này. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân nên cẩn trọng để lựa chọn các cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện về sản xuất kinh doanh giống cây trồng để mua được cây giống đảm bảo chất lượng.

Bài và ảnh: Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN