Xác định giá trị bền vững
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, tỉnh có khoảng hơn 10.000 ha nhiễm mặn, riêng diện tích trồng lúa mỗi năm Nam Định mất khoảng 200 ha do nhiễm mặn.
Từ năm 2011, tỉnh Nam Định chủ động chuyển đổi cây trồng gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mục đích là năng suất, nên tỉnh chú trọng giống chất lượng để mang lại giá trị chất lượng cao. Tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 43% diện tích (năm 2013) lên 65% diện tích (năm 2015); các giống lúa thường nhiễm sâu bệnh nặng trong mùa vụ là BT7 đã được thay thế cơ bản bằng các giống kháng sâu bệnh, có năng suất và chất lượng cao như: M1, CS6, Thiên Trường 750… Do đó, đã nâng cao hiệu quả sản xuất lúa tăng từ 7 - 10% so với trước đây. Việc chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa cũng được triển khai hiệu quả, hai năm qua (2014 - 2015) toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 600 ha từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có giá trị kinh tế cao gấp 4 lần như: lạc, cà chua, bí xanh, dưa, ớt, cây đinh lăng…
Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau xanh cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. |
Ông Đỗ Hải Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường. Vì vậy, trong trồng trọt, ngành nông nghiệp đã chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt với sâu bệnh, bổ sung vào cơ cấu và mở rộng nhanh diện tích, thay thế giống cũ. Ở những vùng ven biển đã đổi mới cơ cấu giống cây trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) đã tích cực đưa giống lúa mới vào sản xuất và chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả, rau màu và phát triển gia trại. Điển hình có trang trại nông nghiệp Hải Đăng, với gần 30.000 m2 chuyển từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau và củ, quả sạch. Anh Trần Trọng Việt, chủ trang trại Hải Đăng chia sẻ: “Trước việc người nông dân phải nặng nhọc với cây lúa nhưng năng suất lao động không cao, tôi quyết định đầu tư trồng rau sạch, đưa ra thị trường, hy vọng mang lại thu nhập cao”. Mới thử nghiệm được 2 năm, với mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng trang trại của anh Việt đã cho tổng thu nhập khoảng 1 tỷ đồng; tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, với mức lương 4 triệu đồng. Theo anh Việt, mô hình làm trang trại như anh hiệu quả gấp 20 lần trồng lúa, thời gian tới sẽ mở rộng quy mô thêm 6 ha trồng rau sạch, tìm thị trường và đối tác liên kết bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn.
Liên kết bao tiêu sản phẩm
Để thu hút nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp và xây dựng mối liên kết tìm đầu ra của sản phẩm. Hai năm vừa qua, tỉnh Nam Định đã xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích khoảng 6.500 ha, trong đó có trên 300 ha làm các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất giống lúa và sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao.
Điển hình là mô hình thu gom, tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất lúa lai F1 cánh đồng mẫu lớn của Công ty Cường Tân, sản xuất và tiêu thụ khoảng 1.500 tấn giống lúa lai F1/năm, thu nhập của người nông dân cao gấp 3 lần so với cách làm cũ… Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu giữa Công ty CP Nam Dương với tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu Hải Lộc (Hải Hậu), sản xuất và tiêu thụ khoảng 200 tấn nguyên liệu/năm, thu nhập của người nông dân cao gấp 10 lần so với trồng lúa.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Nam Định cũng khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu lựa chọn giống cây trồng phù hợp với vùng chuyển đổi; đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ như: Kênh mương, giao thông, điện... Đặc biệt, tỉnh Nam Định xác định chuyển đổi phải theo quy hoạch, định hướng và gắn kết theo chuỗi, có doanh nghiệp đồng hành, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.