Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Vấn đề phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng kinh tế đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hơn 10 năm qua, đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung chủ trì Hội thảo.
 
Đây cũng là một nội dung quan trọng được đề cập trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Vấn đề này tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại diện các tổ chức quốc tế, các Đối tác phát triển tại Việt Nam tại Hội thảo quốc tế "Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam”. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung tổ chức ngày 3/4 tại Hà Nội.
 
Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Vấn đề kinh tế vùng và liên kết vùng đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VIII. Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI đều tiếp tục xác định rõ định hướng chiến lược phát triển vùng. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ: “Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác. Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm của trung ương và địa phương. Thực hiện quy hoạch vùng, chính sách vùng; sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng. Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”.
 
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung phát biểu khai mạc Hôi thảo.
 
Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành khá nhiều văn bản liên quan: Phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, quy chế phối hợp, tổ điều phối vùng,… các chính sách đặc thù của vùng. Đặc biệt vấn đề vùng đã được chú trọng, lồng ghép vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
 
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng, cũng còn nhiều hạn chế: Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ phát triển kinh tế vùng như một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế; là phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái , xã hội và không gian chính sách, thể chế để tạo ra lợi thế cạnh tranh động cho vùng, quốc gia, là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
 
Cách phân vùng kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế để phát huy lợi thế so sánh từng vùng. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành theo vùng như hiện nay chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút đầu tư, quản trị không gian kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện vai trò ràng buộc liên kết nội vùng. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn rất yếu giữa các tỉnh/thành phố; thiếu các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng. Chức năng từng vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội vùng và với tổng thể quốc gia chưa được quan tâm. Hiện nay, thiếu thể chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả, do đó thiếu cơ chế ra quyết định và cơ chế điều phối tập thể liên kết giữa các địa phương để thúc đẩy quá trình ra quyết định kinh tế vùng. Chất lượng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng hiện còn hạn chế, tình trạng quá nhiều quy hoạch, ở cấp địa phương, nhiều quy hoạch không cần thiết đã gây ra lãng phí và phức tạp trong thực hiện.
 
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu làm rõ: Tính tất yếu khách quan của liên kết vùng; các yếu tố tác động đến liên kết vùng; lợi thế cạnh tranh của liên kết vùng; các thành quả liên kết vùng sẽ được phân chia như thế nào cho các địa phương; chia sẻ các bài học quốc tế về liên kết vùng và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Các đại biểu tập trung làm rõ vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng chiến lược, phân vùng kinh tế, quy hoạch, kế hoạch phát triển các vùng kinh tế; tập trung các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng. Các đại biểu thảo luận các cơ chế, chính sách cho phát triển vùng, giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế vùng gắn với đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường...
 
Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp các đề xuất, kiến nghị các giải pháp có tính thực tiễn cao về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, giúp Chính phủ triển khai có hiệu quả phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.
 
Phát triển kinh tế vùng gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường
 
Bày tỏ ủng hộ vấn đề thúc đẩy điều phối vùng tại Việt Nam, Ngài Carl Georg Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tin rằng: Điều phối vùng đủ mạnh sẽ mang tiềm năng to lớn trong việc giải quyết các vấn đề nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các địa phương; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Nhấn mạnh điều phối vùng mang lại lợi ích việc phát triển kinh tế vùng gắn với bảo vệ môi trường, Đại sứ cho rằng cần coi quá trình liên kết vùng như một cơ hội. Đây cũng là cơ hội cho các tỉnh và vùng cùng nhau phối hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
 
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Sự tăng trưởng của Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Vì vậy, việc điều phối vùng mạnh mẽ hơn để tối ưu hoá được các tiềm năng to lớn của Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách. Bà khẳng định: Ngân hàng Thế giới sẵn sàng phối hợp với các tổ chức quốc tế và Chính phủ Việt Nam để triển khai hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát triển vùng và điều phối vùng ở Việt Nam.
 
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
 
Nhân dịp này, các Đối tác phát triển tại Việt Nam đã có tuyên bố ủng hộ sáng kiến thúc đẩy điều phối vùng tại Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam khởi xướng. Các đối tác phát triển bày tỏ tin tưởng tăng cường điều phối vùng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển vùng nói riêng và phát triển đất nước nói chung.
 
Các Đối tác phát triển đề xuất cần có thể chế mạnh để điều phối vùng một cách hiệu quả; quy hoạch vùng và mối liên hệ với vấn đề tài chính là điều kiện quan trọng để điều phối vùng một cách hiệu quả. Để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao khả năng chống chịu các tác động của biến đổi khí hậu, cần có một cơ chế điều phối vùng không chỉ cho phát triển kinh tế mà còn phải xác định và thực hiện các giải pháp đa ngành. Thúc đẩy điều phối vùng là vấn đề cấp thiết, có thể được thực hiện theo từng giai đoạn. Với cách tiếp cận như vậy sẽ giúp giải quyết hiệu quả các thách thức về sự phân tán không gian theo các tỉnh như hiện nay và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cơ chế điều phối vùng như vậy sẽ mang lại lợi ích to lớn cho quá trình phát triển bền vững phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các đối tác phát triển luôn sẵn sàng hỗ trợ bước đi quan trọng này của Việt Nam.
 
Đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng
 
Tại hội thảo, các đại biểu nêu rõ: Nhiều vấn đề cấp bách cấp vùng hiện nay nổi lên mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như: biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây nguyên; quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc; phát triển hạ tầng, quản lý ô nhiễm và đầu tư ở các vùng kinh tế trọng điểm; phát triển vùng phía tây Miền Trung; phát triển các vùng ven biển hải đảo, bãi ngang. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trao đổi, thảo luận nhấn mạnh: Quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng cần được xác định như: Một bộ phận của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia; là cách thức để tạo ra các mũi nhọn, các “cực tăng trưởng” đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương; là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” của địa phương và khai thác tối đa nguồn lực của xã hội.
 
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá làm rõ hơn một số nhóm vấn đề và các đề xuất, kiến nghị về các giải pháp phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng.
 
Các đại biểu đề nghị cần xác lập rõ ràng, cụ thể hơn chiến lược phát triển kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia từ quy hoạch, chương trình phát triển, đầu tư, quản trị, dịch vụ công, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đều đề xuất rà soát phân vùng hợp lý, khoa học và thực tiễn, phù hợp với giai đoạn mới phát triển đất nước các vùng kinh tế - xã hội và vùng kinh tế trọng điểm. Loại bỏ sự chồng lấn trong phân vùng, ban hành rõ thẩm quyền, quyền hạn trong phân vùng và quản trị vùng, hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, cần tập trung các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đồng thời cần tạo lập thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển kinh tế vùng.
 
Các đại biểu thảo luận về mô hình thể chế điều phối, quản trị vùng, cơ chế chính sách phát triển vùng ở Việt Nam, cân nhắc để tạo lập cơ chế chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng, phù hợp với chức năng kinh tế, xã hội, bảo tồn sinh thái, để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung, vùng bãi ngang.
 

Quang cảnh cuộc Hội thảo.

Trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết trong xây dựng và ban hành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng để làm cơ sở cho các địa phương xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình, thúc đẩy liên kết vùng, tránh hiện tượng các cấp chính quyền địa phương đều mong muốn “duy trì cơ cấu sản xuất khép kín” hay “phát triển kinh tế khép kín”.
 
Với các vùng kinh tế trọng điểm, các đại biểu đề nghị cần cân nhắc để ban hành chính sách cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khu vực ASEAN, châu Á và trên thế giới; quy định rõ vùng này theo hướng kinh tế tri thức, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới, như là địa bàn đột phá trong phát triển kinh tế; xây dựng quỹ, vườn ươm phát triển doanh nghiệp trong nước gắn với đầu tư sáng tạo công nghệ của các trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp; phát triển dịch vụ chất lượng cao và hiện đại kết nối và cạnh tranh quốc tế; tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi thương mại, nghiên cứu và phát triển ứng dụng quốc tế. Đối với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cần có chính sách nhằm hướng việc thu hút đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội; làm rõ chức năng bảo tồn sinh thái, giữ rừng, gìn giữ văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, để từ đó có những chính sách tích hợp tổng thể đặc thù cho vùng.
 
Các đại biểu trao đổi làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng và quá trình phân cấp, đề xuất hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, vừa đảm bảo tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương; Đổi mới hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương.
 
Kết quả của Hội thảo sẽ được tổng hợp để báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để nghiên cứu, triển khai trong thực tiễn.
 
Hương Thủy
Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương
Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Sáng 18/3, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, phân công đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN