Quảng Trị - Điểm hẹn của lòng nhân ái - Kỳ 1: Họ bước ra từ tọa độ lửa

Câu chuyện kể của nhà báo Chu Chí Thành về bức ảnh chụp hai người lính thuộc hai chiến tuyến ở Quảng Trị năm 1973, và quá trình tìm lại hai nhân vật trong bức ảnh sau 45 năm.

Theo Hiệp định Paris, hai bên, quân Giải phóng và quân đội Sài Gòn phải ngừng tiếng súng từ sáng ngày 27/1/1973. Nhưng từ ngày 25 đến ngày 31/1/1973, ở vùng ven Quảng Trị, phía quân Sài Gòn đã đánh ra, hòng chiếm lại Cửa Việt. Họ không ngờ vấp phải đòn giáng trả chí mạng của Quân Giải phóng, để cuối cùng phía Sài Gòn phải rút về nơi xuất phát. Chính sau những ngày ác liệt đó tôi từ Hà Nội vào đã gặp những người lính của hai phía tại chốt thép Long Quang.

Hai người lính trên tuyến giáp ranh


Long Quang - chốt tiền tiêu của Quân đội Sài Gòn và Quân Giải phóng. Vào một ngày nắng ráo, đẹp trời khoảng cuối tháng 2 năm 1973, tôi thấy các chiến sĩ Giải phóng vẫy tay gọi anh em lính Sài Ggòn sang chơi. Ở Hà Nội mới vào, tôi rất ngạc nhiên, “địch với ta kiểu gì mà lại hữu nghị như vậy?”. Khi một tốp lính Sài Gòn bước vào “vùng của ta”, thì hai o du kích và mấy chiến sĩ bước ra đón họ. Một người lính Sài Gòn trong bộ quần áo rằn ri Thủy quân Lục chiến chìa tay, bắt tay o du kích. Anh ta nở một nụ cười rất tươi, dáng dấp thoải mái, anh được một chiến sĩ Giải phóng bá vai. Thế là tôi liền đưa máy ảnh lên ngắm và bấm máy. Ngay sau đó, người lính Sài Gòn này vui vẻ đề nghị:


- Anh nhà báo, anh chụp cho em với anh Giải phóng một kiểu ảnh.


Hai người ấy họ tách khỏi đám đông, bá vai nhau thân thiết như hai người bạn. Không chần chừ gì nữa, tôi bấm ngay kiểu ảnh đó, và nó cũng là kiểu ảnh duy nhất. Tôi thầm vui, và cũng chưa hết ngạc nhiên. Không ngờ những con người này trước đó ít ngày thôi họ còn săn đuổi nhau, bắn nhau dữ dội, giành giật với nhau từng thước đất từ Cửa Việt đến Long Quang, mà giờ đây lại tay bắt, mặt mừng! Hòa bình, phải chăng hòa bình đã làm thay đổi tất cả, từ đối địch trở thành bạn hữu, từ hận thù về lại yêu thương?


Sau cuộc “giao lưungắn ngủi ấy ít phút, những người lính Sài Gòn lại trở về phía bên kia. Bóng họ chập chờn trên cồn cát trắng. Tôi nhìn mãi theo họ, tầm nhìn bỗng dừng lại bởi bốt gác và những bao cát chất cao thành ụ chiến đấu và trải dài theo chiến hào phòng ngự. Còn bên ta cũng có giao thông hào kéo dài đối diện với phía Sài Gòn. Phía sau chiến hào có hàng loạt đầu đạn DKB sáng loáng phơi mình trên cát chĩa thẳng sang phía đối phương như công khai răn đe.

Hai người lính (chiến sĩ Quân Giải phóng-bên trái, và anh lính Cộng hòa), tại chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mùa xuân 1973. Ảnh: Chu Chí Thành

Tay bắt mặt mừng (Quân Giải phóng, du kích và những người lính Cộng hòa), tại chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mùa xuân 1973. Ảnh: Chu Chí Thành

Rời tuyến giáp ranh, về tới Phân xã Thông tấn xã Giải phóng tỉnh Quảng Trị bên bờ sông Hiếu, tôi liền xuống hầm tráng phim. Thấy mấy kiểu phim ở tuyến giáp ranh rất đẹp, tôi phơi phim cho khô, rồi viết chú thích gửi ra Hà Nội. Sau 3 tháng công tác ở Quảng Trị, chúng tôi về tới Thủ đô đúng vào trưa 1/5/1973. Hôm ấy cả Hà Nội treo cờ mừng ngày Quốc tế Lao động đầu tiên trong hòa bình.


Mấy hôm sau đến cơ quan, xem lại maket ảnh của mình do Phòng Địa phương dựng, tôi thấy bức ảnh Hai người lính được Ban biên tập duyệt bỏ, không lưu, không phát. Tiếc quá, tôi tần ngần đứng lặng bên bàn làm việc, định gặp anh Lê Châu, Phó chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh để hỏi lý do loại bỏ tấm ảnh. Tôi đã có lý lẽ trong đầu, chủ trương hòa hợp của Đảng, Nhà nước có rồi, Bác Hồ cũng nói từ lâu: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.” Bức ảnh này nói đươc tinh thần đó của Bác. Bỏ nó đi là làm trái với tâm huyết của Người...


Nhưng một ý nghĩ vụt lóe trong đầu tôi: Vấn đề cơ bản là tấm phim đó có còn không? Tôi liền xuống Phòng Tư liệu phim hỏi và tìm. Tiếc thay tấm phim ấy đã bị hủy! Phim không còn nữa, cãi lý với thủ trưởng cũng bằng thừa. Tôi đành ngậm ngùi trong luyến tiếc. Nhưng may sao tấm phim Tay bắt mặt mừng lại còn nguyên. Tôi xin mấy chị ở Phòng Tư liệu đoạn phim ấy, và nói khéo rằng đấy là ảnh lưu niệm. Vậy là tôi bóc tấm ảnh mẫu Hai người lính cỡ 3x4 cm ra để vào sổ tay cùng với đoạn phim vừa xin được giữ đến bây giờ. Nhờ kỹ thuật số mà ảnh nhỏ từ năm ấy được quét với mật độ cao thì làm ảnh mới phóng to vẫn sc nét và mịn màng. Đây là một may mắn về kỹ thuật mà bức ảnh Hai người lính được thừa hưởng.


Năm ấy, trước khi đi Quảng Trị, tôi được cơ quan giao cho chiếc máy ảnh PENTAX kèm một ống kính Tele 200 m/m và một ống kính góc rộng 18 m/m. Trang bị tốt đi đôi với nhiệm vụ quan trọng. Vừa là phần thưởng, vừa là độ tin cậy của cơ quan trao cho từng phóng viên. Tôi đã không phụ sự mong đợi của mọi người. Trước khi vào Quảng Trị, đầu tháng 2/1973, với máy ảnh PENTAX mới, tôi đã chụp bộ ảnh chân dung Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng ống kính Tele 200 rất thành công. Khi chụp ảnh trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn, chiếc máy PENTAX này đã giúp tôi đoạt Giải thưởng Nhà nước với phóng sự ảnh Từ ngục tối thắng lợi trở về.


Những năm nghèo khó ấy, cầm chiếc máy ảnh tư bản trong tay, nó gọn gàng, dễ thao tác, tự tin, cảm thấy mình đã trưởng thành trong nghề. Vì trước đó lớp trẻ chúng tôi chỉ được dùng đèn chụp ảnh, máy chụp ảnh của Cộng hòa Dân chủ Đức viện trợ thôi, chất lượng ống kính tốt nhưng lên phim không nhẹ, đặc biệt là ống kính Tele rất nặng. Đến hôm nay những loại phim, máy ảnh của cả hai phe đều đã lạc hậu, nhưng những bức ảnh- sản phẩm của nó vẫn ngồn ngộn sức sống, càng ngày càng có giá trị.


Cuộc hành trình tìm lại hai người lính


Tháng 12/2007, tôi mở triển lãm ảnh cá nhân về đề tài chiến tranh chống Mỹ cứu nước với tiêu đề: Những thời khắc không thể quên ở Hà Nội, và Ký ức chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bức ảnh Hai người línhvà Tay bắt mặt mừng lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Triển lãm được nhiều người quan tâm, đặc biệt các đồng nghiệp nhiếp ảnh của Sài Gòn cũ và người xem ở phía Nam rất thích hai tấm ảnh này.


Năm 2010, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh đã đứng tên cùng tôi xuất bản cuốn sách ảnh có nhan đề: Kýức chiến tranh (Memories of the war) bằng hai ngữ Việt-Anh. Sách bán chạy, được bạn đọc trong nước và nước ngoài ưa thích. Lúc đó Bộ Ngoại giao ta cử người đến Thông tấn xã Việt Nam đặt ảnh, Bộ muốn có tấm ảnh Hai người lính đưa sang Mỹ, nói với các bạn Mỹ và bà con Việt kiều rằng, tinh thần hòa hợp dân tộc của người Việt Nam chúng ta đã có từ lâu đời, và ngay từ khi đất nước chưa thống nhất, nó là khát vọng của những thanh niên cầm súng của cả hai phía.


Đến năm 2015 cuốn sách được tái bản. Câu chuyện Hai người lính trong ảnh được nhiều đài báo ở trong nước và nước ngoài nói tới. Lúc đó ý tưởng tìm lại họ càng thôi thúc tôi. Không nhớ từ bao giờ tôi đã coi Hai người lính như hai đứa em của mình. Tôi nhờ một số bạn bè tìm hộ qua nhiều mối quan hệ, kể cả báo chí và đường Internet. Gần đến ngày 30/4/ 2015, phóng viên báo Tuổi trẻ, anh Quốc Nam từ Quảng Trị ra Hà Nội gặp tôi hỏi chuyện về Hai người lính trong ảnh.


Dịp đó một số cựu chiến binh ở Thạch Thất, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 về thăm chiến trường xưa tại thôn Long Quang cho rằng, anh Giải phóng trong ảnh là Dương Minh Sắc, quê ở Kim Quan, Thạch Thất, Hà Tây cũ. Nhà báo Quốc Nam rất cẩn thận, tìm đến tận nhà vợ anh Sắc ở Huế để xác minh. Chị nói, chưa nhìn thấy bức ảnh này bao giờ, nhưng người trong ảnh có nét hao hao giống chồng mình khi trong quân ngũ. Vậy là Quốc Nam viết theo các ý kiến trên, cho rằng người chiến sĩ Giải phóng trong ảnh là Dương Minh Sắc đã mất cách đó mấy năm! Còn anh lính Cộng hòa chưa tìm ra, nghe đâu có ông chú sống ở Vũng Tàu, nếu liên hệ được sẽ lần ra manh mối.


Biết câu chuyện này qua báo Tuổi trẻ, nhà báo Hoàng Lân, phóng viên của TV Phố Bolsa ở Mỹ đã phỏng vấn tôi ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp 30/4/2015. Bên cạnh tôi có cả Nick Út, tác giả bức ảnh Em bé Napalm, chụp ở Trảng Bàng năm 1972. Bức ảnh đã làm rung chuyển nước Mỹ, hàng vạn người xuống đường đòi chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.


Còn chuyện Hai người lính lại là câu chuyện âm thầm và nhy cảm của người Việt Nam trong mấy thập kỷ qua. Hòa hợp dân tộc, bao dung, đoàn kết dân tộc là cần thiết và tất yếu, nhưng bắt đầu từ đâu, và như thế nào? Đó là cả một sự trăn trở của nhiều người. Có lẽ vì vậy mà Việt kiều ở Mỹ và ở nhiều nước cũng như độc giả trong nước đã lần lượt vào mạng theo dõi câu chuyện này.


Vào một buổi chiều giữa tháng 5/2015, một người lạ gọi điện thoại tới, và muốn gặp tôi nói chuyện. Đúng hẹn, anh đến nhà tôi với một niềm vui cởi mở, anh nói:


- Chắc anh không nhận ra em, nhưng em vẫn nhớ anh dáng cao cao, đội mũ tai bèo, vai đeo máy ảnh trong bộ quần áo Quân Giải phóng.


Tôi hơi ngờ ngợ, và đáp lại trong do dự:


- Anh trước là bộ đội Giải phóng phải không?


-Vâng, em đã gặp anh ở tuyến giáp ranh Quảng Trị, cũng đã xem triển lãm ảnh chiến tranh của anh vào năm 2007 tại Bảo tàng Lịch sử, thấy ảnh Hai người lính...


-Thế sao khi ấy cậu không điện cho tôi?- Tôi chen ngang hỏi.


-Vâng, lúc ấy em còn trong quân ngũ, ngại, chưa muốn gặp anh. Giờ thì có thể nói với anh, em chính là người trong ảnh. Người lính ấy không chết. Dù là ai cũng không quan trọng, cũng không thay đổi được sự thật lúc đó. Nó là bức ảnh lịch sử rồi...


Mấy câu của người sĩ quan vừa nói ra, khiến tôi chợt nghĩ tới cách tư duy của nhiều người về các liệt sĩ vô danh, họ làm nên lịch sử, nhưng không để lại tên tuổi... Tinh thần ấy của những người lính từng sống chết với Quảng Trị xem ra có lý.


Thế là chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện. Anh cho tôi xem chứng minh thư quân nhân, tên là Nguyễn Huy Tạo. Anh ở chốt Long Quang tới tháng 4/1974 thì được điều ra Bắc vào học tại Học viện Hậu cần, tiếp tục làm việc trong quân ngũ đến lúc về hưu với cấp bậc Thượng tá.


Tôi mừng quá, sau đó gọi điện cho Quốc Nam, báo Tuổi trẻ để anh viết tiếp câu chuyện còn dang dở. Nhưng không hiểu do bận vào đề tài khác, hay vì lý do gì mà Quốc Nam không theo đuổi câu chuyện này nữa.


Thấy nữ nhà báo Dương Phương Vinh, Trưởng Ban Văn nghệ báo Tiền phong quan tâm tới nhiếp ảnh, tôi kể lại câu chuyện Hai người lính, cô có vẻ thích thú và vui vẻ xin số điện thoi, tìm hiểu nhân vật để viết. Trước hết cô gặp Nguyễn Huy Tạo, anh lính Giải phóng năm xưa. Và rất nhanh, ngay sau đó có bài Những tình tiết mới quanh bức ảnh hai người lính, số xuân Bính Thân, 2016.


Tại đây Nguyễn Huy Tạo kể rằng, một buổi tối sau ngày tôi chụp ảnh, có văn công Quân khu 5 đến biểu diễn ca múa nhạc, lính Cộng hòa sang xem khá đông. Khi tốp ca nữ hát bài Tiếng đàn Ta lư của Huy Thục đến đoạn: Kia trông 1,2,3,4,5,6,7tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia nó bị bắt trên rừng, Bộ đội Giải phóng ơi, các anh đánh hay hung... thì phía Sài Gòn có báo động, tất cả họ phải bỏ cuộc vui chạy về. Nghe đâu có một người vấp phải lựu đạn gài của Mỹ đã thiệt mạng. Từ bấy trở đi, phía Sài Gòn căng giây thép gai, lính tráng không được sang bên Giải phóng nữa. Nguyễn Huy Tạo có hỏi thăm vọng qua hàng rào, thì bên kia trả lời, người chụp ảnh với anh đã chết trong vụ vướng lựu đạn! Nhà báo Dương Phương Vinh vẫn phân vân, hoài nghi về cái chết của người lính Sài Gòn. Bởi “nghe nói”, “qua hàng rào” thì khó xác thực.


Dịp 30/4/2017, cô thao thức đọc trên mạng thấy nhiều người bình luận về câu chuyên Hai người lính. Rất may cô tìm thấy địa chỉ của cậu con trai ông Nghĩa trên Facebook, tên là Bùi Trọng Nhân. Cậu Nhân đăng ảnh bố mình và đăng cả chứng minh thư của ông Nghĩa, với lời giải thích rằng, người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính là bố mình. Liên lạc được với Nhân, lập tức cô Vinh lấy vé bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ đồng nghiệp báo Công an Thành phố lần ra địa chỉ nhà ông Nghĩa. Thế là người lính thứ hai trong ảnh xuất hiện liền trong 4 số báo Tiền phong đầu tháng 5/2017. Bạn đọc đồng cảm với hoàn cảnh ông Bùi Trọng Nghĩa bước sang tuổi già xuống sức, không có việc làm, vợ thì yếu đau mất sức lao động từ sau khi sinh cậu con trai. Nay con trai đã 24, 25 tuổi nhưng chưa có chỗ làm ổn định...


Vì vậy Dương Phương Vinh và tòa soạn đã vận động các độc giả và một số doanh nhân ủng hộ, giúp đỡ gia đình ông Nghĩa. Nhân Ngày Truyền thống Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Tổng biên tập báo Tiền phong, ông Lê Xuân Sơn đã tổ chức buổi gặp mặt với ông Bùi Trọng Nghĩa tại Văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22/6/2017. Thay mặt tòa soạn và độc giả, ông Tổng biên tập đã trao cho Bùi Trọng Nghĩa 90 triệu đồng và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam tặng gia đình ông Nghĩa chiếc TV màn hình phẳng 40 inch và 5 triệu đồng. Với số tiền ấy ông Nghĩa đã sửa được căn nhà lụp sụp thành phòng ốc sáng sủa, cao ráo. Và nhờ báo Tiền phong liên hệ, cậu con trai đã có việc làm ổn định, tuy cậu phải đi làm xa, vất vả, nhưng đã giúp được bố mẹ chút đỉnh.

Cái bắt tay đầu tiên sau 45 năm. Ông Bùi Trọng Nghĩa đón ông Nguyễn Huy Tạo tại nhà ga Đông Hà. Ảnh: Chu Chí Thành

Kỳ 2: Họ về trong vòng tay sông Thạch Hãn


Bút ký của Chu Chí Thành
Thành cổ Quảng Trị - một thời oanh liệt
Thành cổ Quảng Trị - một thời oanh liệt

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm (Lê Bá Dương) - Những câu thơ ấy thôi thúc, ám ảnh tôi trong suốt chuyến đi dọc miền Trung đầy nắng, gió.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN