Bản hùng ca bất tử trên chiến trường Quảng Trị năm 1972

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử một mốc son vàng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường suốt 81 ngày đêm năm 1972.

Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Lê Phú

Cuộc chiến đấu quả cảm này của quân và dân ta đã tạo lợi thế cho ta trên bàn Hội nghị Pari đang đi đến hồi kết thúc có lợi cho Việt Nam. Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá chiến dịch này là bản hùng ca bất tử trên chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Ký ức Thành cổ Quảng Trị

Về lại với Quảng Trị sau 40 năm sự kiện Thành cổ, những hồi ức một thời lại được nhắc đến trong những câu chuyện của các cựu chiến binh và trở thành những câu chuyện huyền thoại có thực.

Trung đoàn 48 (sư đoàn chủ lực 320) có mặt tại Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Giai đoạn đối đầu ác liệt nhất, hy sinh mất mát là điều không thể tránh khỏi đối với những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành cổ ngày ấy.

Ngày 15/8/1972, chiến sĩ trẻ Vũ Văn Long được lệnh đến bến Vượt để vượt sông Thạch Hãn sang Thành cổ. Đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầm súng chiến đấu của người chiến sĩ này. Với mật độ bom đạn dội xuống dày đặc, không ai trong số những chiến sĩ trẻ như ông ngày ấy nghĩ mình sẽ là người được sống sót trở về. Chứng kiến sự khốc liệt của bom đạn, ông cùng đồng đội đã từng nghĩ rằng, sau này khi hòa bình lập lại, Quảng Trị sẽ là mảnh đất huyền thoại.

Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Tư liệu


Cựu chiến binh Vũ Văn Long nhớ lại, khi đến vùng này, cách đây 300 m thì chạm chân đến vùng lửa đạn. Tôi phải dùng từ vùng lửa đạn vì khi đến đây rồi thì gần như pháo dập vào đội hình, bắn nát con đường, có những quả đạn cách 5, 6 m. Đạn bắn nhiều đến nỗi chúng tôi nghe còn tránh được cả đạn. Nói đến giờ phút này nhiều người nghĩ không thật, nhưng chúng tôi nghe quả đạn có thể biết nó có rơi vào mình không. Ở đây ban đêm pháo sáng còn sáng hơn đêm trăng rằm. Tốp chúng tôi vào đây 20 người nhưng vượt sông chỉ còn có 4 người. Khi vào đến đây không ai nói ai câu gì mà chỉ nhận nhiệm vụ khẩn trương vượt sông.

Hòa trong dòng cựu chiến binh về thăm lại Thành cổ, cựu chiến binh Bùi Mạnh Hùng, cựu chiến binh TTXVN không giấu được những giọt nước mắt khi trở lại thăm Thành cổ. Năm 1972, chàng sinh viên Bùi Mạnh Hùng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ đất nước. Đứng bên tượng đài do những sinh viên Thành cổ ngày nào xây dựng để tưởng nhớ đồng đội, những giọt nước mắt tuôn trào, ký ức một thời hào hùng sinh viên ra trận lại ùa về trong ông. Trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hàng ngàn sinh viên đã anh dũng nằm lại nơi này.

Xúc động khi đi thăm Thành cổ Quảng Trị, cựu chiến binh, nhà báo Đình Trân (PV TTXVN) chia sẻ: "Sau bao nhiêu năm xa cách, hôm nay tôi và các cựu chiến binh khác mới có dịp về đây thăm lại chiến trường xưa và đồng đội. Thực sự tôi rất xúc động, đất nước chúng ta có được ngày hôm nay không thể quên những con người đã không tiếc tuổi thanh xuân, xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc".

Tâm trạng trên cũng là tâm trạng chung của mỗi người lính Thành cổ mỗi khi trở về lại Quảng Trị. Những câu chuyện về một thời vào sinh ra tử lại được nhắc đến, như không có hồi kết. Ở đây, mỗi địa danh họ đi qua đều đã đi vào huyền thoại và ở đây, máu xương của những con người quả cảm đã hòa vào sông nước, hòa vào đất để đổi lấy mầm xanh cuộc sống hôm nay. Những câu chuyện về một thời sẽ còn được nối dài như bản anh hùng ca bất diệt của thế hệ những con người biết sống, biết dấn thân và biết hy sinh.

Bản hùng ca bất tử

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử một mốc son sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường suốt 81 ngày đêm năm 1972.

Ngày 1/5, Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn. Mất Quảng Trị, ngày 28/6/1972, địch đã sử dụng hai sư đoàn cơ động chiến lược mở đợt phản công quy mô lớn nhằm chiếm lại thị xã Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6-16/9/1972, tại đây đã diễn ra trận chiến ác liệt của quân và dân Việt Nam với kẻ thù nhằm giữ vững Thành cổ Quảng Trị.

Trong lửa đạn khốc liệt ấy, Thành cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2 km trở thành “túi bom của kẻ thù”. Chúng huy động tối đa lực lượng, phương tiện để hòng tái chiếm bằng được Thành cổ, vì đây là địa bàn chiến lược, có sức nặng mặc cả với ta tại Hội nghị Pari. Theo thống kê, số lượng bom, đạn mà địch đã ném xuống đây tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima. Nhưng tại đây, địch đã gặp phải sự chiến đấu quyết liệt của dân và quân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Các chiến sĩ của ta phần lớn còn rất trẻ, đã anh dũng kiên cường bám trụ giữ từng tấc đất Thành cổ. Trung bình một ngày, các chiến sĩ đã phải đánh địch phản kích từ 5-7 lần, có khi 13 lần. Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những quy ước thông thường, với những tấm gương quả cảm như: chiến sĩ Phan Văn Ba bị nát một bàn tay vẫn xin ở lại chiến đấu; chiến sĩ Hán Duy Long dùng trung liên kẹp nách truy kích 58 tên địch, ba lần bị thương vẫn giữ vững trận địa; chiến sĩ Nguyễn Duy Bình bị thương mất một mắt đã tự băng bó để tiếp tục chiến đấu, không rời trận địa,… Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và nằm lại trên mảnh đất này, nhưng chúng ta đã giữ vững trận địa vào thời điểm quyết định nhất, tạo lợi thế cho Việt Nam trên bàn Hội nghị Pari đang đi đến hồi kết thúc có lợi cho Việt Nam.

Trung tướng Đỗ Đức Tuệ, Chính ủy Học viện Quốc phòng, nguyên chiến sĩ K8 tham gia chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 nhận xét, cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường suốt 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của quân và dân ta là một thiên anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ là thắng lợi của chính nghĩa, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể của quân và dân ta,…

Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, nguyên cán bộ Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng đánh giá rằng, thời gian giữ thị xã và Thành cổ Quảng Trị cần được ghi nhận là thời điểm chiến đấu bảo vệ yếu địa bằng tác chiến hợp đồng binh chủng giữ kỷ lục cao nhất trong lịch sử quân đội ta, nếu chưa nói là trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đáng cho các thế hệ nối tiếp phải tìm hiểu, noi theo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó không chỉ là bản anh hùng ca về lòng dũng cảm mà còn là biểu hiện nổi bật của trí thông minh sáng tạo về cách đánh giặc của dân tộc Việt Nam.

Dương Vương Lợi

Quảng Trị khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững
Quảng Trị khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững

Bốn mươi năm trước, với khí thế tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1968, cùng thắng lợi của chiến dịch Đường 9-Nam Lào, sau khi phân tích tình hình giữa ta và địch trên các chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã ra nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giải phóng Trị-Thiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN