Xung quanh dự luật gây tranh cãi ở Gruzia

Quốc hội Gruzia hôm 28/5 đã thông qua dự luật "ảnh hưởng của nước ngoài" gây tranh cãi, theo đó bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống đối với dự luật mà các nhà chỉ trích và phương Tây gọi là “luật Nga”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo tờ  Los Angeles Times (Mỹ) ngày 29/5, một cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây đang diễn ra ở Gruzia.

Quốc hội Gruzia hôm 28/5 đã thông qua dự luật "ảnh hưởng của nước ngoài" gây tranh cãi, theo đó bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống đối với dự luật mà các nhà chỉ trích và phương Tây gọi là “luật Nga”.

Những người phản đối đã coi luật mới được thông qua là một nỗ lực nhằm hạn chế tự do truyền thông và xã hội dân sự. Họ đã từng tổ chức các cuộc biểu tình lớn trên đường phố trong nhiều tháng để cố gắng ngăn chặn luật này được thông qua.

Trong khi đó, đảng cầm quyền Gruzia khẳng định luật này nhằm ngăn chặn các lực lượng nước ngoài gây bất ổn. Luật đang được đề cập giống như một vấn đề đơn thuần, yêu cầu các tổ chức truyền thông, các nhóm phi chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận phải đăng ký là “theo đuổi lợi ích của nước ngoài” nếu họ nhận được hơn 20% số tiền tài trợ từ bên ngoài.

Nhưng các nhà phê bình cho rằng, yêu cầu này sẽ có tác động sâu sắc đến quyền tự do ngôn luận và xã hội dân sự ở Gruzia, quốc gia có khoảng 3,7 triệu dân. Các tổ chức phi chính phủ có thể bị phạt tài chính nặng nề hoặc bị đóng cửa hoàn toàn nếu không tuân thủ quy định.

EU đã cảnh báo rằng việc ban hành luật này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội của Gruzia trong gia nhập vào khối 27 thành viên. EU cho biết họ “rất lấy làm tiếc” về việc bỏ qua quyền phủ quyết của tổng thống Gruzia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên trang mạng X: “Người dân Gruzia cực kỳ muốn gia nhập EU”, đồng thời nói thêm rằng khối này đang xem xét tất cả các lựa chọn để phản ứng về việc bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống Gruzia. Bà Leyen kêu gọi chính phủ Gruzia tái cam kết với những nguyện vọng gia nhập EU.

Tại Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho rằng Chính phủ Gruzia có thể bị cắt viện trợ của Mỹ nếu nước này rời xa các giá trị dân chủ. Ông Miller nói với các phóng viên: “Chúng tôi phải đánh giá lại tất cả những điều đó nếu Chính phủ Gruzia giờ đây coi Mỹ và các nước phương Tây khác không còn là đối tác nữa mà là đối thủ”.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đây đã mô tả luật này là "làm suy yếu nền dân chủ" và cảnh báo về các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với những người ủng hộ.

Bình luận về phản ứng của Mỹ và EU về luật trên ở Gruzia, ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và châu Âu toàn diện tại Trường Kinh tế Cao cấp Quốc gia Nga, nói với hãng thông tấn TASS (Nga): "Những tuyên bố và đe dọa trừng phạt như vậy là một nỗ lực nhằm kích hoạt một cuộc 'cách mạng màu' ở Gruzia, nhằm huy động hơn nữa các lực lượng thân phương Tây, vốn đã nổi lên và phát triển mạnh mẽ hơn nhờ các khoản tài trợ và hỗ trợ chính trị của Mỹ cùng đồng minh cho hàng trăm tổ chức phi chính phủ, điều mà chính quyền Gruzia hiện đang muốn hạn chế để kiểm soát tốt hơn".

Ông Suslov nhấn mạnh rằng: "Mỹ không quan tâm đến Gruzia với tư cách một quốc gia, họ không quan tâm đến người Gruzia với tư cách là một dân tộc. Họ quan tâm đến việc mở mặt trận thứ hai chống Nga trong tình thế mà mặt trận thứ nhất ở Ukraine rõ ràng đang không thể ứng phó được".

Nhà phân tích trên giải thích, trong tình thế mặt trận ở Ukraine bế tắc, Mỹ không chỉ tìm cách leo thang xung đột ở Ukraine mà còn muốn mở mặt trận thứ hai hoặc thứ ba để đánh lạc hướng Nga, khiến nước này tái phân phối và phân tán nguồn lực.

Về quan hệ của Gruzia với Nga, theo ông Suslov, diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có thể tiến hành một cuộc "cách mạng màu" mới ở Gruzia hay không. "Nếu giới lãnh đạo Gruzia chịu được áp lực chưa từng có của Mỹ thì tất nhiên quan hệ giữa Gruzia và phương Tây sẽ đóng băng trong thời gian dài, trong khi quan hệ Nga  -Gruzia sẽ được cải thiện đáng kể", chuyên gia Suslov nêu rõ. 

Tuy nhiên, hiện nay Mỹ đang gia tăng áp lực, sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo Gruzia. Ông Suslov dự đoán EU có thể sẽ rút lại quyết định cấp cho Gruzia tư cách ứng cử viên gia nhập. Đồng thời, ông lưu ý rằng phương Tây đang hy vọng rằng sự thoái trào rõ ràng trong quan hệ với Gruzia sẽ gây ra một làn sóng phản đối thậm chí còn mạnh hơn.

Chuyên gia Suslov kết luận, bất chấp những thách thức, giới lãnh đạo hiện tại của Gruzia đã đặt ra một lộ trình vững chắc hướng tới việc khôi phục và củng cố chủ quyền quốc gia.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Los Angeles Times/TASS)
Bất ổn chính trị ở Gruzia do dự luật 'đại diện nước ngoài'
Bất ổn chính trị ở Gruzia do dự luật 'đại diện nước ngoài'

Quốc hội Gruzia (Georgia) đã thông qua dự luật “minh bạch về ảnh hưởng của nước ngoài” mới – còn được gọi là luật “đại diện nước ngoài” hôm 14/5 – bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ đã làm rung chuyển thủ đô Tbilisi trong vài tuần qua. Sau khi dự luật được thông qua, hàng nghìn người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở trung tâm Tbilisi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN