Theo kênh CNN ngày 5/2, Tổng thống Mỹ nhiều lần nhấn mạnh đề xuất di dời gần 2 triệu người Palestine khỏi Dải Gaza đã bị chiến tranh tàn phá để họ có nhà ở nơi khác, từ đó Mỹ có thể triển khai quân đội đến vùng đất này, kiểm soát và biến nơi này thành “Riviera của Trung Đông”.
Ông Trump nói với các phóng viên trong họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng: “Chúng ta sẽ xây dựng những khu nhà chất lượng cao, một thị trấn đẹp đẽ, một nơi họ có thể sống mà không phải chết, bởi vì Gaza là nơi đảm bảo rằng họ sẽ chết”.
Chỉ với vài câu nói, ông Trump đã vẽ ra một viễn cảnh địa chính trị làm thay đổi cục diện Trung Đông, đồng thời mang lại một cứu cánh chính trị cho ông Netanyahu. Điều này giải thích lý do tại sao, bất chấp những căng thẳng trước đây, ông Netanyahu lại ủng hộ ông Trump quay trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 2024.
Theo bình luận của CNN, ông Netanyahu giờ đây có thể khẳng định với các phe cánh hữu trong liên minh của mình rằng ông là cầu nối đặc biệt và quan trọng với ông Trump. Quan điểm của Tổng thống Mỹ hiện tại trùng khớp với mong muốn của phe cứng rắn Israel về việc đẩy người Palestine ra khỏi phần đất Gaza.
Cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia cực hữu của Israel, ông Itamar Ben-Gvir, người đã rời nội các chiến tranh Israel hồi đầu năm để phản đối thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, đã xác nhận đồng điệu giữa tư duy của ông Trump và phe bảo thủ cực đoan ở Israel. Ông Ben-Gvir viết trên mạng xã hội X: “Ông Donald, có vẻ như đây là khởi đầu của một tình bạn đẹp”.
Khoảnh khắc gây chấn động
Video ông Trump nói về kế hoạch Gaza trong hợp báo chung với Thủ tướng Israel (nguồn: Tài khoản X của Tổng thống Donald Trump):
Ông Trump đưa ra các phát biểu trên từ trong buổi ký sắc lệnh hành pháp đến cuộc họp với ông Netanyahu trong Phòng Bầu dục và họp báo chung. Các phát biểu này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của Mỹ khi thiết lập hòa bình tại Trung Đông.
Việc một tổng thống Mỹ công khai ủng hộ ý tưởng trục xuất cưỡng chế người Palestine khỏi quê hương, một hành động sẽ đi ngược lại hàng chục năm chính sách của Mỹ, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo cơ bản, thực sự gây kinh ngạc.
Ông Trump tiếp tục cho thấy tư duy mở rộng đất đai rõ nét trong nhiệm kỳ thứ hai, khi ông từng nói muốn kiểm soát lại Kênh đào Panama, muốn mua đảo Greenland và muốn Canada trở thành một bang của Mỹ. Ông hình dung ra một thương vụ bất động sản trong đó Mỹ sẽ tiếp quản Gaza, thực hiện một dự án tái thiết đô thị quy mô lớn, tạo ra việc làm và nhà ở.
Ông Trump tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và chúng tôi sẽ xử lý vùng đất này. Chúng tôi sẽ sở hữu và chịu trách nhiệm tháo dỡ toàn bộ bom mìn chưa nổ và vũ khí nguy hiểm tại khu vực này. San bằng khu vực, dọn sạch những tòa nhà bị phá hủy, tạo ra một nền kinh tế phát triển cung cấp vô số việc làm và nhà ở cho người dân địa phương, làm một điều gì đó thực sự khác biệt”.
Ý tưởng này giống với kế hoạch mà con rể ông Trump, nhà đầu tư Jared Kushner, đã đề xuất năm 2024, trong đó kêu gọi di dời người Palestine khỏi Gaza và dọn dẹp khu vực này để khai thác giá trị bất động sản ven biển Địa Trung Hải.
Nhưng ý tưởng này phi thực tế vì nhiều lý do. Nếu lãnh đạo của nền dân chủ quyền lực nhất thế giới thực hiện một cuộc di dời cưỡng bức như vậy, ông sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm.
Tuy nhiên, ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với một nhiệm kỳ hai của ông Trump, trong đó Tổng thống Mỹ dường như không bị ràng buộc bởi điều gì.
Trong tất cả những tuyên bố gần đây của ông Trump về Gaza, có một yếu tố quan trọng bị bỏ qua: liệu người Palestine có quyền tự quyết hay không. Điều này đã được minh chứng qua việc hàng trăm nghìn người Palestine trở lại Bắc Gaza, nơi họ dựng lều tạm trên đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc tấn công của Israel vào Hamas sau sự kiện ngày 7/10/2023.
Tổng thống Mỹ dường như không hiểu nguyện vọng của người Palestine, khi cho rằng họ sẽ thích một khu đô thị hiện đại ở nơi khác hơn là quê hương của mình. Trong Phòng Bầu dục, ông hỏi: “Tại sao họ lại muốn quay lại? Nơi đó như địa ngục”. Một phóng viên đáp: “Nhưng đó là nhà của họ, thưa ngài. Tại sao họ phải rời đi?”.
Một quan chức Arab nói với CNN rằng phát biểu của ông Trump có thể làm tổn hại thỏa thuận ngừng bắn mong manh và quá trình trao đổi con tin ở Gaza. Nhà ngoại giao này nói: “Điều quan trọng là phải nhận thức được những tác động sâu sắc mà những đề xuất như vậy có thể gây ra đối với cuộc sống và phẩm giá của người Palestine, cũng như đối với toàn bộ Trung Đông”.
Một kế hoạch kỳ lạ
Cũng có những lý do thực tế khiến ý tưởng của ông Trump khó thành hiện thực. Kế hoạch của ông Trump bị các quốc gia Arab phản đối gay gắt, vì đòi hỏi tiền bạc và đất đai của họ để thực hiện.
Jordan, nơi đã có số lượng lớn người tị nạn Palestine, lo ngại rằng nước này có thể bị bất ổn nghiêm trọng do một làn sóng người tị nạn mới.
Quân đội Ai Cập lo ngại về một dòng người Palestine ồ ạt tràn vào, trong đó có thể bao gồm những người ủng hộ Hamas thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo dòng Sunni.
Nói về hai nước láng giềng của Israel, ông Aaron David Miller, cựu nhà đàm phán hòa bình Trung Đông của Mỹ, nói với CNN: “Đối với họ, đây không phải là một thỏa thuận bất động sản, thậm chí không phải một vấn đề nhân đạo. Đây là một vấn đề mang tính tồn vong”.
Ý tưởng ép buộc người Palestine phải di dời cũng là điều không thể về mặt chính trị đối với Saudi Arabia, quốc gia giữ vai trò then chốt trong kế hoạch của ông Trump nhằm tạo ra một liên minh chống Iran. Nước này đã đặt điều kiện rằng phải có một nhà nước Palestine độc lập mới có thể đạt được thỏa thuận như vậy.
Việc sơ tán toàn bộ Gaza sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào giấc mơ về một nhà nước Palestine và tạo ra một tiền lệ có thể làm dấy lên nghi ngờ về sự hiện diện của người Palestine tại Bờ Tây - khu vực bị Liên hợp quốc coi là lãnh thổ bị Israel chiếm đóng, giống như Gaza.
Suy nghĩ rằng một số lượng lớn người Palestine sẽ đồng ý rời khỏi Gaza để đến một vùng ngoại ô lý tưởng nào đó cũng không hợp lý. Kể từ khi Israel được thành lập vào năm 1948, hy vọng trở về của hàng nghìn người Palestine sống trong cảnh nghèo đói tại các trại tị nạn ở những nơi như Beirut và Jordan đã trở nên vô vọng. Do đó, người dân Gaza sẽ không bao giờ rời đi chỉ vì những lời hứa rằng một ngày nào đó họ có thể quay trở lại.
Việc ông Trump thậm chí đề cập đến một kế hoạch như vậy cho thấy thời kỳ sau ngày 7/10/2023 đã làm thay đổi bức tranh chiến lược ở Trung Đông như thế nào.
Ông Trump có nghiêm túc không?
Những phát ngôn của ông Trump sẽ làm dấy lên một vòng suy đoán mới về việc liệu ông có thực sự nghiêm túc với kế hoạch gây tranh cãi này hay không.
Ở một khía cạnh nào đó, ông Trump dường như thực sự muốn cải thiện cuộc sống của người dân Gaza, dù cách tiếp cận của ông không phù hợp với bản sắc của họ. Ông nói: “Những người đã bị tàn phá hoàn toàn và đang sống ở đó giờ đây có thể sống trong hòa bình, trong một tình huống tốt hơn nhiều, bởi vì họ đang sống trong địa ngục, và những người đó giờ đây sẽ có thể sống trong hòa bình. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng điều đó được thực hiện ở đẳng cấp thế giới”.
Tại cuộc họp báo, ông nói rằng người Palestine đã cố gắng sống ở Gaza hàng thập kỷ qua. Ông nói: “Điều đó sẽ không hiệu quả. Điều đó đã không hiệu quả. Điều đó sẽ không bao giờ hiệu quả. Và bạn phải học từ lịch sử”.
Phần lớn những thập kỷ đó, Gaza hoặc nằm dưới sự chiếm đóng hoặc bị phong tỏa bởi Israel, gần đây nhất là dưới sự kiểm soát của Hamas.
Những phát ngôn của ông Trump thường cần phải xem xét một cách thận trọng.
Ông Beth Sanner, cựu quan chức tình báo cấp cao từng phụ trách báo cáo tình báo hàng ngày cho ông Trump trong nhiệm kỳ đầu, nói rằng những diễn biến đáng kinh ngạc về Gaza là lời nhắc nhở rằng ông Trump không suy nghĩ như một người trong giới hoạch định chính sách đối ngoại điển hình.
Điều đó có thể không hoàn toàn tệ, xét đến những kết quả đáng nghi ngờ của chính sách đối ngoại Mỹ trong thời gian gần đây. Nhưng ông Trump cũng đang đặt cược rủi ro. Những phát ngôn của ông về Gaza sẽ gây ra những chấn động khắp Trung Đông và khiến các chính phủ Arab khó hợp tác hơn với ông trong việc mở rộng Hiệp định Abraham từ nhiệm kỳ đầu của ông.
Khả năng ông Trump điều quân đến khu vực cũng mâu thuẫn với bản chất chính trị của một tổng thống phần nào giành được quyền lực nhờ dựa vào một bộ phận cử tri đã mệt mỏi vì việc Mỹ đưa con em họ ra chiến trường trong thời kỳ hậu 11/9.
Nhưng dù đề xuất của ông – có lẽ là thương vụ phát triển bất động sản lớn nhất thế giới – khó có thể trở thành hiện thực, nhưng đề xuất vẫn mang đậm dấu ấn của ông.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bình luận: “Ngài nói những điều mà người khác không dám nói”.