Salifu là một trường hợp điển hình trong số khoảng 160 triệu trẻ em, tương đương gần 1/10 tổng số trẻ em toàn cầu, đang phải lao động kiếm sống và con số này có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát hơn 2 năm qua.
Ba tuần trước, các đại biểu tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ năm về xóa bỏ lao động trẻ em tổ chức tại thành phố cảng Durban, CH Nam Phi, đã thông qua “Kêu gọi Hành động Durban” về chấm dứt lao động trẻ em, với thông điệp: cộng đồng quốc tế phải hành động khẩn cấp để đối phó với thảm họa lao động trẻ em, bởi “hậu quả của đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang và các cuộc khủng hoảng lương thực, nhân đạo và môi trường đe dọa đảo ngược nhiều năm tiến bộ chống lại lao động trẻ em.”
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ rõ COVID-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng, từ đó cũng sẽ dẫn tới gia tăng lao động trẻ em, khi thu nhập và sinh kế của gia đình giảm sút, cha mẹ mất việc làm do đại dịch. Theo báo cáo của ILO, đại dịch bùng phát năm 2020 khiến số lao động trẻ em tăng lên 160 triệu trên toàn thế giới - tăng 8,4 triệu chỉ trong 4 năm và là mức tăng đầu tiên sau hai thập niên, đảo ngược xu hướng giảm trước đó. Báo cáo chỉ ra sự gia tăng đáng kể số trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi tham gia lao động, trong khi số từ 5 tuổi đến 17 tuổi làm công việc độc hại (được định nghĩa là công việc có khả năng gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn hoặc đạo đức của các em) đã tăng 6,5 triệu lên 79 triệu.
ILO cảnh báo nếu tình hình không được giải quyết, đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 9 triệu trẻ em phải tham gia lực lượng lao động do hậu quả của đại dịch. Con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ không được tiếp cận với các cơ chế bảo trợ xã hội thiết yếu. Trong khi đó, thế giới chỉ còn 3 năm để đạt được Mục tiêu số 8 trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động và chương trình phòng, chống lao động trẻ em.
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12/6 năm nay là "Bảo trợ xã hội toàn dân nhằm chấm dứt lao động trẻ em". Trong “Kêu gọi Hành động Durban” văn bản mà bà Martha Newton, Phó Tổng Giám đốc ILO về chính sách, đánh giá là phương tiện quan trọng để đạt được xóa bỏ lao động trẻ em, tiếp cận phổ cập bảo trợ xã hội là một trong 6 cam kết lớn. Trước đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nam Phi bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ năm về xóa bỏ lao động trẻ em, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder đã coi bảo trợ xã hội là một trong 3 đòn bẩy chính sách giúp cộng đồng quốc tế đạt được thành tựu giảm số lao động trẻ em trên thế giới xuống còn khoảng 30% (kể từ năm 1997), bên cạnh đòn bẩy giáo dục và đảm bảo các bậc phụ huynh có việc làm, thu nhập ổn định. Theo người đứng đầu ILO, các bậc phụ huynh thường phải bắt con cái đi làm vì thu nhập của gia đình quá thấp. Bởi vậy, bảo trợ xã hội, hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo chính là “vũ khí hữu hiệu” để bảo vệ trẻ em.
Báo cáo của ILO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về vai trò của bảo trợ xã hội trong việc xóa bỏ lao động trẻ em nhấn mạnh phương thức bảo trợ xã hội vừa giúp các gia đình ứng phó với những cú sốc về kinh tế hoặc sức khỏe, vừa làm giảm số lao động trẻ em và mang lại cơ hội học hành cho các em. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng có quá ít tiến bộ đạt được trong việc đảm bảo tất cả trẻ em đều được hưởng bảo trợ xã hội. Trên toàn thế giới hiện có 73,6%, tương đương khoảng 1,5 tỷ trẻ từ 0-14 tuổi, không nhận được hỗ trợ theo diện trợ cấp tiền mặt cho các hộ gia đình hoặc trẻ em. Do vậy, điều cấp thiết hiện nay là các nhà hoạch định chính sách và các quốc gia cần phải hành động quyết liệt để nhanh chóng giảm bớt tỷ lệ này, nếu không, đại dịch COVID-19, tình trạng xung đột, đói nghèo gia tăng và biến đổi khí hậu sẽ chỉ làm tăng lao động trẻ em.
ILO và UNICEF đã nêu bật “kim chỉ nam” giúp các chính phủ trên thế giới có thể thúc đẩy bảo trợ xã hội, góp phần xóa bỏ lao động trẻ em. Thứ nhất, cần thu hẹp khoảng cách về bao phủ bảo trợ xã hội đối với trẻ em, nghĩa là ưu tiên quyền lợi cho trẻ, cũng như mở rộng bảo trợ xã hội cho 2 tỷ người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, qua đó hỗ trợ họ chuyển đổi sang khu vực kinh tế chính thức. Thứ hai, cần xây dựng và đầu tư vào hệ thống bảo trợ xã hội tổng hợp, có thể cung cấp đầy đủ các quyền lợi trong suốt vòng đời, từ trợ cấp trẻ em và gia đình, trợ cấp thai sản và thất nghiệp đến lương hưu cho tuổi già, cũng như bảo vệ sức khỏe. Thứ ba, cần đảm bảo việc tạo ra các chương trình bảo trợ xã hội có tính bao trùm và nhạy cảm với lao động trẻ em. Ngoài ra, các nước cần xây dựng cam kết chính trị mạnh mẽ đã có để chấm dứt lao động trẻ em và thiết lập bảo trợ xã hội toàn dân nhằm tăng cường sự đồng thuận hành động. Tổng Giám đốc ILO khẳng định: " Có nhiều lý do để đầu tư vào bảo trợ xã hội toàn dân nhưng xóa bỏ lao động trẻ em phải là một trong những lý do thuyết phục nhất, do tác động của vấn đề này đối với quyền và phúc lợi của trẻ”.
ILO và UNICEF cũng cho rằng Chương trình Nghị sự phát triển bền vững và sự đồng thuận mạnh mẽ mà Hội nghị Lao động quốc tế đã thống nhất vào năm 2021, cũng như kết quả của Hội nghị toàn cầu lần thứ năm về xóa bỏ lao động trẻ em ở Durban vừa qua có thể giúp điều phối các sáng kiến quốc tế. ILO một lần nữa kêu gọi “Hãy chung tay trong việc xóa bỏ lao động trẻ em” và “Đặt trẻ em vào trọng tâm của các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như các kế hoạch phục hồi hậu COVID-19”. Đó cũng là điều mà Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Phi: “Việt Nam đang chung tay và tình nguyện phối hợp thực hiện một nỗ lực đặc biệt nhằm xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em”.
Như đánh giá của Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, Việt Nam là một trong 26 quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7 - một liên minh toàn cầu nhằm chống lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Từ năm 2018, Việt Nam đã thực hiện cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em và có chính sách quốc gia để xóa bỏ lao động trẻ em, bên cạnh nỗ lực hợp tác với ILO nhằm nâng cao năng lực và đảm bảo pháp luật được ban hành trong nước sẽ mang lại kết quả khả quan. Theo Tổng Giám đốc ILO, Việt Nam “đang có một nỗ lực rất nghiêm túc trong vấn đề xóa bỏ lao động trẻ em”. Sau Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, nhân Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em 2021, Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trong cuộc chiến chống lao động trẻ em.
Phát biểu tại hội nghị ở Durban, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố: “Không một nền văn minh nào, không một quốc gia nào và không một nền kinh tế nào có thể tự coi là đi đầu trong sự tiến bộ nếu sự thành công và thịnh vượng được tạo dựng từ những lao động của đứa trẻ”. Với việc thông qua “Kêu gọi Hành động Durban”, cộng đồng quốc tế đã làm mới lại cam kết hướng tới xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025. Thời gian không còn nhiều, giờ là lúc tăng tốc hành động để bảo vệ trẻ em.