Tăng cường truyền thông về bảo vệ trẻ em, phòng chống lao động trẻ em

Ngày 7/6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức cứu trợ trẻ em (SCI), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tăng cường truyền thông về bảo vệ trẻ em,  phòng chống lao động trẻ em.  

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trọng Vũ Bình, đại diện Tổ chức cứu trợ trẻ em (SCI) phát biểu tại buổi Tập huấn. 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm gần đây hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến lao động trẻ em ngày càng hoàn thiện; sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ngành và sự tham gia của các tổ chức liên quan, doanh nghiệp và toàn xã hội đối với công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em ngày càng nhiều. Qua khảo sát quốc gia lần 2 năm 2018 của Bộ về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ lao động trẻ em từ 5 - 17 tuổi đã giảm từ 9,6% năm 2012 xuống còn 5,4% năm 2018 thấp hơn tỷ lệ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 2%. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại và hội nhập toàn cầu; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), vẫn còn tình trạng lao động trẻ em, tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, ở những nơi khó can thiệp, đặc biệt là khó khăn trong thanh tra, kiểm tra việc sử dụng lao động trẻ em trong hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức và có nguy cơ cao tham gia chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ cơ sở, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về phòng ngừa lao động trẻ em còn hạn chế; đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp đặc biệt tại địa phương có trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn thiếu và hạn chế về năng lực; công tác thanh tra, kiểm tra giám sát về lao động trẻ em còn hạn chế; cơ sở dữ liệu về lao động trẻ em còn thiếu...

Chú thích ảnh
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu tại buổi Tập huấn. 

Do vậy, ông Đặng Hoa Nam cho rằng cần tăng cường truyền thông, nhất là về nhận thức vị trí, tầm quan trọng của việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong cộng đồng; các vấn đề về kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện như: thể chất, trí tuệ, cảm xúc, giao tiếp xã hội, an toàn thể chất, tinh thần, sinh mạng. Đồng thời ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình là không thể thay thế; kiến thức, kỹ năng của cha mẹ, các thành viên gia đình; kiến thức, kỹ năng của trẻ em, của cộng đồng dân cư, hàng xóm, phòng ngừa và lên tiếng tố cáo…

Theo Cục Trẻ em, trọng tâm của Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là thực hiện mục tiêu kéo giảm 4,9% tỷ lệ lao động trẻ em vào năm 2025 và giảm  4,5% vào năm 2030. Chương trình cũng hướng đến nâng cao nhận thức cho 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình. Đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em...

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác liên quan đến bảo vệ trẻ em phòng, chống lao động trẻ em. Đồng thời nhất trí việc tăng cường thông tin truyền thông trên kênh báo chí, mạng xã hội, truyền thông cộng đồng trên cơ sở thống nhất nội dung, thông điệp là giải pháp hữu hiệu để đưa thông tin đến từng gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi Tập huấn.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần tăng cường thông tin về tác hại, hậu quả trước mắt và lâu dài của lao động trẻ em; phê phán những cha mẹ, gia đình cố tình đẩy trẻ em tham gia lao động trái với quy định của pháp luật; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phát hiện, phòng ngừa và hòa nhập cho lao động trẻ em; định hình các biện pháp sử dụng sinh kế, phát triển kinh tế cho hộ gia đình bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, không để trẻ em bị bóc lột sức lao động. Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng sống cho trẻ em nhằm giúp các em có kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại, bóc lột; kỹ năng cho trẻ em về tham gia lao động phù hợp với độ tuổi, thể chất, tâm sinh lý, đúng quy định pháp luật, phòng ngừa lao động trẻ em; vận động xã hội hỗ trợ nguồn lực để bảo vệ trẻ em, hạn chế trẻ em tham gia lao động, phòng ngừa trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các nhóm đối tượng trẻ em phải làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Hãy lên tiếng để ngăn chặn hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em
Hãy lên tiếng để ngăn chặn hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em

Ngày 2/6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trọng tâm Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 trên địa bàn Thành phố diễn ra từ ngày 1- 30/6/2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN