Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, Tháng hành động vì trẻ em là một hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ. Đây là dịp để các cấp, các ngành, các bậc cha mẹ lắng nghe, xem xét và phản hồi các ý kiến của trẻ em, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo cho trẻ có cuộc sống an toàn, lành mạnh. Mặt khác cũng là cơ hội để thúc đẩy trẻ em chủ động, tích cực, tự tin, tham gia vào các hoạt động của gia đình nhà trường và xã hội; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa phong trào xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười kêu gọi các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, cộng đồng, gia đình cùng chung tay thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt quan tâm, hỗ trợ trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh để các em được thực hiện các quyền cơ bản của mình, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và có cơ hội được phát triển toàn diện.
Bà Nguyễn Thị Bé Mười đề nghị các cơ quan, đơn vị và các địa phương nhất là người đứng đầu phải có trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, vụ việc vi phạm quyền trẻ em; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trong trường học; phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần; phát triển toàn diện trẻ em.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cung cấp kiến thức và kỹ năng thực hiện quyền trẻ em; Phát triển mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, bưu điện xã, bộ đội biên phòng... Đồng thời, bố trí nhân lực để củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, làm tốt công tác phòng ngừa, hướng dẫn việc phát hiện, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Cùng với đó, tập trung thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, mô hình về công tác trẻ em; vận động và sử dụng có hiệu quả, minh bạch nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho trẻ dụng.
Tỉnh Bến Tre hiện có trên 231.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có gần 1.500 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, gần 12.000 trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo và cận nghèo, có 68 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do nhiễm COVID-19, có 6 trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm COVID-19.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em bằng các hoạt động thiết thực như: Tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em; tổ chức diễn đàn trẻ em, hội thi, hội thảo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần…
Tỉnh thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã. Bên cạnh đó, tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại, bạo lực; tổ chức thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.