Nạn nhân của khủng bố
Cho đến trước khi xảy ra vụ đánh bom hàng loạt đẫm máu tại Sri Lanka vào ngày Lễ Phục sinh (21/4), rất ít người Mỹ có thể tìm ra đất nước Sri Lanka nằm ở đâu trên bản đồ cũng như nhớ đến tên gọi của nó từ thời thuộc địa Anh là Ceylon. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này đã xuất hiện tràn ngập bản tin thời sự dịp cuối tuần qua với loạt vụ đánh bom khiến hàng trăm người thiệt mạng tại thủ đô Colombo và các thành phố lân cận.
Những vụ tấn công xảy ra tại 9 nhà thờ và khách sạn hạng sang có lẽ đã được kích động bởi IS, trở thành một cuộc khủng bố quy mô lớn như vụ 11/9/2001 tại Mỹ nhằm vào một đất nước đa tôn giáo, đa văn hóa.
Sử dụng đến 9 kẻ đánh bom liều chết và thiết bị nổ chế tạo tức thời ở trên diện rộng được đánh giá là quá khả năng của nhóm phiến quân Hồi giáo Nations Thawahid Jaman (NTJ) ở Sri Lanka.
Trước đó, NTJ chỉ chuyên gây rối bằng cách phá hoại các bức tượng phật ở địa phương (70% dân số Sri Lanka theo đạo Phật). Việc nhóm phiến quân nhỏ này có thể bất ngờ lên kế hoạch rồi tấn công đồng loạt tại 9 địa điểm bị đánh giá là điều không thể.
Vì vậy, giới chức điều tra nghi ngờ khả năng IS đã nhúng tay vào ở mức độ nào đó - một phương thức hoạt động liên quan đến sự toàn cầu hóa ngày càng tăng của chúng, chủ yếu nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ của Internet.
Sự ra đời của Khủng bố 3.0
Theo Bloomberg, thảm kịch kinh hoàng ở Sri Lanka cuối tuần qua đã đánh dấu mốc cho sự ra đời của thế kệ khủng bố 3.0 mới. Cách so sánh sự phát triển của khủng bố toàn cầu này giống với những lần phát hành phần mềm máy tính mới – cải tiến theo từng thập kỷ.
Khủng bố 1.0 ở thời hiện đại diễn ra vào thập niên 1980, điển hình là các băng nhóm: Red Brigades ở Italy, Baader-Meinhof ở Đức, Sendero Luminoso ở Peru… Chúng không móc nối với nhau và chỉ gây ảnh hưởng ở phạm vi trong nước.
Khủng bố 2.0 xuất hiện sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, và chứng kiến sự gia tăng hàng loạt của các nhóm cực đoan như Al-Qaeda, Al-Shabab, Boko Haram – về cơ bản là các nhóm khủng bố khu vực với tầm quốc tế lẻ tẻ.
Ở thời Khủng bố 3.0, chúng ta chứng kiến IS là một tổ chức có sức mạnh đáng gờm, khả năng tài chính hùng hậu, tàn bạo, có khả năng thực hiện các vụ khủng bố đẫm máu tinh vi và qui mô lớn. Trong khi phương Tây có thể giành lại những vùng lãnh thổ bị chúng chiếm giữ ở Iraq và Syria, đánh bật chúng ra khỏi nơi gọi là Nhà nước “caliphate” (Vương quốc Hồi giáo) về mặt địa lý, thì IS đã biến đổi thành một tổ chức có nền tảng là mạng Internet, tiếp tục tiến hành những vụ tấn công “tắm máu” tinh vi cũng như chiêu mộ phần tử trên toàn cầu.
Nhìn từ góc độ kinh tế, IS giống như một tập đoàn toàn cầu nhưng sẵn sàng động tay vào các phi vụ bán hàng nhỏ lẻ. Tấm bản đồ cho thấy các vụ tấn công do IS tiến hành hoặc truyền cảm hứng trên thế giới đã vượt xa tổ chức tiền thân Al-Qaeda. Không nghi ngờ gì nữa, các phần tử Hồi giáo cực đoan này sẽ tiến tục tấn công đẫm máu, tìm kiếm vũ khí có thể phá hoại diện rộng, bao gồm hóa học, sinh học, phóng xạ và tấn công mạng.
Cần phải đối phó thế nào?
Thậm chí khi Mỹ bắt đầu chuyển hướng khỏi các chiến dịch chống khủng bố để đối mặt với những thách thức chính trị từ Nga và Trung Quốc, IS vẫn không có ý định tạm dừng hoặc ngừng hẳn hoạt động dù đã mất lãnh thổ.
Để đối phó hiệu quả với những nhóm khủng bố tham vọng hơn bao giờ hết cùng chiến thuật sử dụng mạng Internet làm công cụ của chúng, cần phải tiếp tục quốc tế hóa cuộc chiến chống IS. Liên minh quân sự tiêu diệt khủng bố IS do Mỹ dẫn đầu đã có trên 70 quốc gia và các tổ chức tham gia, cũng như là một di sản của Chính quyền Tổng thống Barack Obama được đội ngũ cố vấn của Tổng thống Donald Trump chọn kế thừa.
Washington cũng cần gửi đến cộng đồng quốc tế thông điệp rằng chiến thắng tại Syria không có nghĩa “sứ mệnh đã hoàn thành”mà là lời báo hiệu phải tăng gấp đôi nỗ lực trong việc phối hợp và chia sẻ thông tin tình báo để đáp trả các động thái của IS.
Khủng bố 3.0 sẽ tiếp tục lan rộng toàn cầu như một tế bào ung thư nhờ sức mạnh của Internet. Để xóa sổ mối họa này, chúng ta không chỉ cần các giải pháp cứng rắn như đã thấy tại Syria và Iraq mà còn cần đến một loạt những công cụ của thế kỷ 21.