Tự chủ bằng nội lực của nước Nga

Nước Nga đang trong thời khắc mang tính quyết định đối với sự thịnh vượng của nhiều thế hệ người dân. Và cũng giống như vào những thời khắc quyết định sống còn khác trước đây, LB Nga rộng lớn và giàu tài nguyên thiên nhiên đã có được sự ủng hộ quan trọng nhất - đó là sự đoàn kết, quyết tâm của người dân cùng chính quyền đưa con thuyền nước Nga vượt qua những "cơn sóng cả" để hướng tới sự thịnh vượng.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Moskva. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tinh thần đoàn kết và ủng hộ rõ rệt này đã được người dân LB Nga thể hiện qua những lá phiếu bầu cho Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc bầu cử vừa qua.

Không để người dân phải đợi lâu, tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 27 (SPIEF 2024) mới đây, Tổng thống Putin đã phác họa một bức tranh phát triển kinh tế mới để nước Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tới của ông sẽ có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đem lại những lợi ích to lớn cho người dân.

Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế Nga đã có những bước tiến ngoạn mục, khi tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái đạt 3,6%. Quý I/2024, kinh tế Nga tăng trưởng tới 5,4%, là tín hiệu tốt cho cả năm. Ông cho rằng nền kinh tế toàn cầu đã bước vào kỷ nguyên của những thay đổi cơ bản với một thế giới đa cực được tạo ra cùng các trung tâm tăng trưởng mới cũng như các mối quan hệ đầu tư và tài chính mới. Trong nền kinh tế đó, nước Nga đang tiếp nhận, thay đổi năng động, có được sự ổn định và sức mạnh ngày càng lớn.

Nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã khái quát tầm nhìn dài hạn của nước Nga nhằm tăng cường chủ quyền về công nghệ, tài chính và nhân sự, mà ở hàm ý nào đó chính là sự phát triển nội lực của nước Nga, qua đó đạt mục tiêu phát triển thịnh vượng vào năm 2030. Ông tuyên bố chính phủ sẵn sàng tham gia mọi cuộc thảo luận có lợi cho nền kinh tế, mở cửa với thế giới bên ngoài để vươn lên một tầm cao mới trong hệ thống phân công lao động toàn cầu. Nga có thể thiết lập những quan hệ hợp tác này qua vai trò của mình trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đặc biệt là BRICS+, vốn đã vượt qua Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) về tỷ trọng GDP toàn cầu.

Người đứng đầu nước Nga cho rằng trong điều kiện hiện nay và về lâu dài, vai trò và tương lai của các nước phụ thuộc vào khả năng ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, phát huy sức mạnh nội tại, lợi thế cạnh tranh, khắc phục điểm yếu, duy trì và tăng cường quan hệ đối tác với các nước khác. Ông cũng đặc biệt lưu ý thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ về công nghệ, làm thay đổi các quy trình quản lý và sản xuất. Để có thể tận dụng tối đa tiến bộ công nghệ, các nước không chỉ đưa ra các giải pháp mới mà còn phải có khả năng "đi trước đón đầu", linh hoạt ứng dụng. Ông Putin nhấn mạnh:“Đây là vấn đề quan trọng nhất đối với đất nước chúng ta”, trong khi Nga đã chứng minh được mức độ sẵn sàng và khả năng hấp thu cao đối với những thay đổi công nghệ, như trong các lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử, dịch vụ vận tải và hành chính công…

Theo Tổng thống Nga, hiện tại năng suất lao động liên quan trực tiếp đến số hóa và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Ông nêu rõ đến năm 2030 cần tạo ra nền tảng số trong tất cả các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và xã hội. Dự kiến trong 6 năm tới, ít nhất 80% cơ sở, tổ chức của Nga trong các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế phải chuyển sang sử dụng phần mềm nội địa và Nga có kế hoạch gia nhập 10 nước hàng đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển. Chi tiêu trong nước cho những mục tiêu này sẽ tăng lên ít nhất 2% GDP. Một số dự án quốc gia trong lĩnh vực chủ quyền công nghệ sẽ được triển khai trong các lĩnh vực như sản xuất và tự động hóa, vật liệu mới, hóa học, dịch vụ vũ trụ, công nghệ năng lượng… Về giáo dục, đến năm 2030, sẽ có 40 khu đại học lớn được xây dựng với chi phí 400 tỷ ruble. Các trường đại học tốt nhất sẽ nhận được thêm 190 tỷ ruble theo chương trình Ưu tiên 2030.

Tổng thống Putin đề cập tới sự cần thiết phải tăng năng suất lao động, trong đó tăng cường đầu tư và đổi mới doanh nghiệp. Đến năm 2030, Nga sẽ lọt vào top 25 quốc gia hàng đầu thế giới về mật độ robot hóa, đồng nghĩa với việc lắp đặt hơn 100.000 robot. Ông nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 thu hút ít nhất 40% doanh nghiệp vừa và lớn trong các lĩnh vực cơ bản phi tài nguyên của nền kinh tế, cũng như tất cả các tổ chức nhà nước và thành phố tham gia các dự án tăng năng suất lao động.

Về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Tổng thống Putin cho biết chính phủ sẽ tích cực hỗ trợ loại hình xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng để đến năm 2030, quy mô của lĩnh vực này sẽ chiếm ít nhất 70% so với năm 2023. Hơn nữa, Nga không chỉ gia tăng số lượng nguồn cung xuất khẩu mà còn về hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Ông tin rằng kết quả của việc phát triển mô hình như vậy sẽ là giảm mức nhập khẩu xuống còn 17% GDP vào năm 2030 và điều này không phải do “rào cản” mà nhờ vào các ngành công nghiệp cạnh tranh của nước Nga, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong nước về sản phẩm, sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác.

Ông Putin cũng nêu bật tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống giao thông để phát triển các thị trường mới - ví dụ, theo hướng Đông tới Trung Quốc và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là tuyến đường sắt phía Đông. Đến năm 2030, công suất vận chuyển của tuyến này sẽ tăng lên 210 triệu tấn và đến năm 2032 lên 270 triệu tấn. Ông cam kết sẽ tích cực phát triển các tuyến đường sắt ở phía Đông và phía Nam nước Nga, cũng như Tuyến đường biển Bắc (Bắc Băng Dương). Đến năm 2030, lưu lượng giao thông dọc các hành lang vận tải quốc tế đi qua lãnh thổ LB Nga sẽ tăng gấp rưỡi so với năm 2021.

Ông Alexander Shpunt, Giáo sư Trường Kinh tế Cao cấp kiêm Tổng Giám đốc Viện Công cụ phân tích chính trị, đánh giá với chiến lược phát triển kinh tế trong 6 năm tới này, nước Nga sẽ có một vị trí, vị thế mới trong hệ thống phân công lao động toàn cầu. Ông phân tích: “Mô hình phát triển cũ của Nga, dựa vào xuất khẩu hydrocarbon, đang trở thành quá khứ nhờ số tiền này được đầu tư vào phát triển xã hội và công nghệ". Theo Giáo sư Shpunt, đây không phải là mô hình tồi, song không còn phù hợp với Nga. Ông cho rằng Nga sẽ ít phụ thuộc hơn vào thị trường nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh “tất cả các công nghệ quan trọng rốt cuộc cần được sáng tạo ở trong nước và tất cả các thiết bị cần thiết cũng phải được sản xuất trong nước”.

Trong khi đó, chuyên gia Pavel Seleznev, Trưởng khoa Quan hệ Kinh tế Quốc tế của Đại học Tổng hợp Tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga, đề cập tới định hướng mở rộng không gian hợp tác với các đối tác thân thiện, cho rằng các nước đối tác của Nga đang trên đà phát triển, có nhiều tiềm năng và sẵn sàng hợp tác với Nga kiến tạo tương lai. Điều đó sẽ giúp Nga vượt qua các biện pháp trừng phạt và cấm vận của phương Tây, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Nhiều chuyên gia nhận định việc Nga duy trì được tăng trưởng kinh tế ổn định trong hơn 2 năm qua là nhờ nước này chuyển hướng sang các thị trường ở châu Phi, Trung Đông và châu Á, cũng như những thay đổi được các cơ quan tài chính Nga áp dụng. Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024. Theo dự báo của tổ chức này, GDP của Nga sẽ tăng trưởng 3,2%, vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%). Trong Triển vọng kinh tế toàn cầu 2024 công bố ngày 11/6, Ngân hàng Thế giới đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Nga lên 2,9% trong năm nay và 1,4% năm 2025, tăng so với dự báo trước đó lần lượt là 2,2% và 1,1%. Rõ ràng, việc phát triển kinh tế dựa vào nội lực và thích ứng linh hoạt đang giúp Nga giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài và tăng cường khả năng tự chủ kinh tế. 

Thách thức và khó khăn là cơ hội để vươn lên một tầm cao mới, đúng như tuyên bố của Tổng thống Putin trong Ngày Nước Nga 12/6/2024, rằng nước Nga đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, thậm chí bi thảm, nhưng người dân Nga luôn vượt qua mọi thách thức, trở ngại và nghịch cảnh để tạo dựng một đất nước hùng mạnh. Nước Nga đương đại đang ấp ủ những kế hoạch hướng nội lớn để bảo đảm chủ quyền kinh tế và đưa cuộc sống của người dân lên một cấp độ thịnh vượng mới.

Duy Trinh (Phóng viên TTXVN tại LB Nga)
Thách thức với Tổng thống Putin: Dân số suy giảm giữa xung đột kéo dài với Ukraine
Thách thức với Tổng thống Putin: Dân số suy giảm giữa xung đột kéo dài với Ukraine

Suy giảm dân số đang là vấn đề nhức nhối đối với nước Nga mà một trong các yếu tố khiến tình hình trở nên nghiêm trọng được cho là là những tổn thất trong cuộc xung đột với Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN