Trung-Mỹ và cuộc tranh giành ảnh hưởng tại châu Á năm 2014

Rất khó có thể dự đoán những gì sẽ xảy ra tại châu Á trong năm 2014, nhưng có một điều chắc chắn rằng sự cân bằng quyền lực giữa hai cường quốc Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng quyết định đến môi trường địa chính trị của khu vực.

Trung Quốc đang tìm cách thay đổi trật tự quốc tế do Mỹ đứng đầu ở châu Á và việc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào cuối tháng 11/2013 của nước này là một trong những nỗ lực đó. Vào cuối tháng 12 cùng năm, một chiếc tàu chiến Trung Quốc cũng đã tìm cách chặn một tàu chiến Mỹ đang bám theo tàu sân bay của nước này ở Biển Đông.

Trung Quốc và Mỹ trong một cuộc tập trận hải quân chung năm 2013.


Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục những hành động quyết đoán như vậy trong năm 2014 bởi vì sức mạnh quốc gia của nước này tiếp tục tăng lên. Câu hỏi lớn đặt ra đối với chính quyền của Tổng thống Barack Obama là Washington sẽ phản ứng như thế nào trước các hành động đó của Bắc Kinh.

Chính quyền của Tổng thống Obama đang theo đuổi một chính sách đối ngoại tập trung vào châu Á và đang tìm cách kìm chế sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và cả trên thế giới. Nhưng thật khó có thể xác định được Mỹ sẽ đạt được tiến bộ ra sao trong thực hiện mục tiêu trên năm 2014.

Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại và các quan chức khác của Nhật Bản đang theo dõi sát sao diễn biến tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương (APEC), nơi tập trung sự tranh giành ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực trong tương lai. APEC cũng là nơi thảo luận về các vấn đề kinh tế của 20 nền kinh tế trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc.

Theo kế hoạch, năm 2014, Trung Quốc sẽ là chủ tịch luân phiên của APEC và tổ chức một loạt các cuộc họp về thương mại, năng lượng và tài chính của khối bắt đầu từ tháng 5 năm nay, sau đó sẽ là một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo của APEC ở ngoại ô Bắc Kinh vào đầu mùa thu, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Cùng với sự kiện này, Trung Quốc sẽ thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của mình tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

"Bắc Kinh sẽ nhìn nhận Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Washington đang nỗ lực thúc đẩy như là một động thái nhằm cô lập Trung Quốc và củng cố trật tự do Mỹ đứng đầu ở châu Á”, một chuyên gia giấu tên nghiên cứu về mối quan hệ Trung - Mỹ tại Nhật Bản nhận định và nhấn mạnh rằng hành động này có thể sẽ nhắc nhở Trung Quốc tranh thủ tận dụng lợi thế là chủ tịch luân phiên của APEC năm nay để giành lại một số ưu thế đã bị mất trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.

Trong khi đó, sự đối phó của Mỹ dường như là rất yếu ớt, ít nhất là trong năm nay. Động lực thúc đẩy chính quyền Obama thực hiện chính sách “xoay trục” tới châu Á cũng khá hạn chế vì phải tập trung vào chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào ngày 4/11, cùng thời điểm Hội nghị APEC diễn ra. Cuộc bầu cử quốc hội bốn năm một lần sẽ rất quan trọng đối với Đảng Dân chủ của ông Obama, hiện nắm đa số ghế tại thượng viện, nhưng không chiếm ưu thế ở hạ viện.

Cho dù ông Obama có thể sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Trung Quốc, nhưng sẽ có ít “khoảng trống” để Tổng thống Mỹ phát huy ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các quan chức Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với các đối tác khác trong khối để mở rộng ảnh hưởng của mình trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị.


CT
(Theo A.N)
Trung Quốc làm căng với Nhật
Trung Quốc làm căng với Nhật

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, ngày 7/1 đã bác bỏ ý định của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn giải thích về chuyến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi vừa rồi.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN