Bằng việc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đang tự tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho chính mình.Mặc dù là nước xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi đưa giàn khoan dầu khổng lồ vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Vương Minh (Wang Min) ngày 9/6 đã gửi một “bản tuyên cáo lập trường” lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về giàn khoan Hải Dương-981, vu khống trắng trợn Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
“Bản tuyên bố lập trường” này cho thấy Bắc Kinh ngày càng quan ngại bị Việt Nam và các quốc gia trong khu vực kiện ra tòa án quốc tế, dùng luật pháp quốc tế để phản đối những tuyên bố về chủ quyền “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc, biên tập viên Shannon Tiezzi nhận định trên trang mạng Diplomat.
Bản đồ "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc. |
Theo chuyên gia Zachary Keck, nhìn bề ngoài, quyết định trên của Trung Quốc là khá khó hiểu. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần và liên tục chỉ trích các tuyên bố chủ quyền của các nước trong khu vực cũng như bên thứ 3 là Mỹ, rằng họ đang tìm cách “quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố này của Trung Quốc thường được đưa ra ở các diễn đàn khu vực như Đối thoại Shangri-La hay các hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ngoài ra, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện ra Tòa án quốc tế về “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh.
Thay vào đó, Trung Quốc chủ trương rằng các bên tranh chấp ở Biển Đông nên giải quyết vấn đề thông qua đối thoại trực tiếp, đàm phán song phương để giành lợi thế cho mình.
Trong thực tế, quyết định của Trung Quốc đưa Bản tuyên bố của mình ra LHQ có thể phản ánh sự lo sợ ngày càng tăng của Bắc Kinh về việc các nước láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để vô hiệu hóa ưu thế quân sự của Trung Quốc. Bên cạnh trường hợp của Philippines đề cập ở trên, Việt Nam cũng đang xem xét đề nghị trọng tài quốc tế giải quyết vấn đề quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm bất hợp pháp. Ông Zachary Keck cho rằng nếu kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ Nhật Bản, Australia, Mỹ và các nước khác.
Ông Zachary Keck cũng nhận định bằng cách chủ động đưa vấn đề ra một tổ chức quốc tế, Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa với LHQ và ngăn cản Việt Nam cũng như các nước láng giềng khác kiện Bắc Kinh. Tuy nhiên, đây là một canh bạc nguy hiểm. Bắc Kinh đang quốc tế hóa các tranh chấp dựa trên niềm tin rằng luật pháp quốc tế là hữu ích với quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tương đối mạnh mẽ. Nhưng tuyên bố “đường chín đoạn” của họ lại mâu thuẫn với luật pháp quốc tế. Do đó, Trung Quốc đang mạo hiểm tạo ra một tiền lệ mà họ sẽ không muốn có trong nhiều trường hợp tương tự.
Một điều thú vị nữa là ông Vương Minh cũng có bài phát biểu vào ngày 9/6 tại một cuộc họp kỷ niệm kỷ niệm 20 năm ngày Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) có hiệu lực. Bài phát biểu của ông Vương không trực tiếp đề cập đến Việt Nam hoặc Biển Đông, thay vào đó, nhà ngoại giao này ca ngợi UNCLOS và nói rằng Trung Quốc tuân thủ đầy đủ các hiệp ước, trước khi bổ sung rằng đó là "quyền lợi hợp pháp của các quốc gia độc lập trong việc lựa chọn các giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.
CT (Theo Diplomat)